THCL - Tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2017, Chính phủ đã tập trung thảo luận 2 vấn đề lớn: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và đánh giá tình hình kinh tế-xã hội.
Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự phiên họp báo (Ảnh: chinhphu.vn)
Phiên họp diễn a vào chiều 01/3, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Mở đầu phiên họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông báo vắn tắt về nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2017 diễn ra cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo đó, tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung thảo luận hai vấn đề lớn: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và đánh giá tình hình kinh tế-xã hội.
Cả hệ thống chuyển động tích cực
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và thống nhất nhận định, trong 2 tháng đầu năm, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung, tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngay sau Tết Nguyên đán, một tinh thần làm việc mới đã lan tỏa trong các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Đó là bắt tay ngay vào việc thực hiện các nhiệm vụ; không để xảy ra tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” như quan niệm trước đây, tiếp tục tạo được không khí phấn khởi, nâng cao niềm tin trong nhân dân và doanh nghiệp.
Những chỉ đạo của Thủ tướng về việc không tặng quà dịp Tết, không sử dụng xe công và giờ hành chính để đi lễ hội, không sử dụng rượu bia trong giờ làm việc... được chấp hành nghiêm túc. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.
Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát, trong tháng 2/2017 chỉ tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 0,69% so với tháng 12/2016.
Du lịch khởi sắc, tiếp tục đà tăng trưởng, ngay trong 2 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, 2,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 33% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt 1,658 triệu lượt khách, tăng 17,5%).
Xuất nhập khẩu tăng cao so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 27,34 tỷ USD, tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ tăng 2,9%). Kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 19,6% so cùng kỳ năm trước.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 21,5% so cùng kỳ năm trước.
Thành lập mới doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực mặc dù là tháng ngay sau Tết Nguyên đán. Có trên 14,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,9% về doanh nghiệp và 35% về vốn đăng ký; gần 8 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Sản xuất nông nghiệp ổn định. Tính đến ngày 15/02/2017, cả nước đã gieo cấy hơn 2,6 triệu ha lúa đông xuân, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước. Riêng chăn nuôi lợn, hiện giá thịt lợn dù vẫn thấp hơn giá thành nhưng đang tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết Nguyên đán (giá lợn hơi dao động ở mức 33.000-36.000đ/kg).
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, lao động-việc làm, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội đầu năm tốt hơn các năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên, nền kinh tế nước ta còn không ít khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chỉ tăng 2,4%, thấp hơn so cùng kỳ năm trước (tăng 6,8%).
Kết luận phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm 2 mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng trong tổng thể khung khổ chính sách và từng cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện, cả trước mắt và trung, dài hạn. Trước mắt, năm 2017 nỗ lực phấn đấu để kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng 6,7% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo khí thế khởi nghiệp và thực hiện các nghị quyết 01, 19, 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách khu vực quản lý công, dịch vụ công.
Có kế hoạch, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao; không để chủ trương của Chính phủ “treo mãi”.
Rà soát cơ chế, chính sách
Về xây dựng thể chế, Chính phủ đã thảo luận về cơ chế, chính sách, cụ thể là các dự án luật như Luật Quản lý nợ công sửa đổi, Luật Thủy sản sửa đổi, Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo. Đồng thời, xem xét một số nội dung như dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dược, đề nghị của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung về lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Nghị định 100 năm 2015.
Đáng chú ý, trong Dự thảo Luật Quản lý nợ công, vấn đề được dư luận quan tâm là phạm vi nợ công. Các thành viên Chính phủ thống nhất phạm vi nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Tuy nhiên, dự thảo Luật đã có quy định các khoản nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước được tính vào nợ công, tức là dần tiếp cận với thông lệ quốc tế. Tinh thần chung là phải sử dụng nợ công hiệu quả hơn, không vượt trần nợ công.
Nhấn mạnh yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ ngành, địa phương tập trung rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế-xã hội thì cần phải sửa ngay. Từng thành viên Chính phủ tiếp tục rà soát, kiểm tra xem Chính phủ, các bộ, ngành còn nợ đọng gì về thể chế, cần cải cách gì về cơ chế chính sách, hướng khắc phục ra sao, còn khó khăn vướng mắc gì cần được tháo gỡ, đặc biệt là trong việc triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và về cải cách thủ tục hành chính.
T. Nguyên