THCL Với tôi, thành công từ cuộc Cách mạng tháng Tám đem lại cho chúng ta rất nhiều bài học. Và bài học về sự đoàn kết toàn dân - khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Dễ trăm lần, không dân cũng chịu/ Khó vạn lần, dân liệu cũng xong". Nhắc lại lời dạy của Người là để một lần nữa khẳng định sức mạnh của lòng dân.
Là người nghiên cứu về khoa học quân sự, tôi nghĩ nhiều đến nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam.
Nhiều nước trên thế giới, khi trải qua mỗi đời tổng thống, họ đều có học thuyết quân sự trong nhiệm kỳ của mình. Nhưng học thuyết thường chỉ nói về quân sự, còn các nội dung khác thì ít đề cập tới.
Đối với Việt Nam, cuộc chiến tranh nhân dân - giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc là một cuộc chiến bởi 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích với các quân binh chủng khác nhau.
Tất cả các lực lượng đó nằm trong thế trận chiến tranh nhân dân. Sức mạnh được phát huy chính là sức mạnh của truyền thống Việt Nam, văn hóa Việt Nam từ ngàn đời, sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc.
Chúng ta đã từng đánh thắng những đế quốc lớn bằng nghệ thuật quân sự Việt Nam, bằng chiến tranh nhân dân Việt Nam, bằng truyền thống quật cường của nhân dân Việt Nam từ ngàn đời: "Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/ Lấy trí nhân thay cường bạo".
Các trận đánh chống quân Nguyên - Mông trong lịch sử, cũng như các trận đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh thời hiện đại - đã nói lên sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Đó là những đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân.
Chúng ta đã có học thuyết chiến tranh nhân dân, nghệ thuật nghi binh, đánh địch bằng mưu kế thế trận và thắng địch bằng thế thời.
Vì thế, chúng ta cần phải hoàn thiện học thuyết quốc phòng Việt Nam. Học thuyết này không chỉ nói về nghệ thuật quân sự chiến tranh, mà còn nói về nghệ thuật chiến tranh nhân dân - một nghệ thuật quân sự độc đáo của riêng Việt Nam.
Đó là sức mạnh tổng hợp của cả một hệ thống chính trị: Về quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế và cả về văn hóa. Việc hoàn thiện học thuyết quốc phòng Việt Nam có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây còn là sự tổng kết 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang, trong đó có Quân đội và Công an. Đó là tài sản cho các thế hệ sau này.
Hồ Chủ tịch đã nói rất nhiều về việc bồi dưỡng sức dân. Trăn trở với lời dạy của Người, cá nhân tôi cũng suy nghĩ bởi chữ "dân".
Nhìn lại tình hình đất nước trong 70 năm qua, nhất là sau chiến tranh, tôi cho rằng, cuộc sống của nhân dân cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Chỉ khi người dân được no ấm thì việc thực hiện khối đại đoàn kết dân tộc mới tốt.
Và đây chính là nền tảng để có thể bảo đảm thế trận chiến tranh nhân dân được thực hiện khi Tổ quốc lâm nguy. Trong chiến tranh là như vậy. Nhưng trong thời bình, sức mạnh đoàn kết cũng sẽ là nhân tố giúp đất nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Chính vì thế, tôi đã từng có ý kiến về việc chúng ta nên có ngày tưởng niệm tất cả các nạn nhân chiến tranh. Ngoài ra, việc thực hiện chế độ chính sách đối với những người từng cống hiến cho đất nước trong thời kỳ chiến tranh cũng cần phải làm thật tốt. Tất cả những việc này là nhằm mục đích góp phần khơi dậy lòng yêu nước của người Việt Nam.
Giờ đây, dù nghỉ công tác, nhưng tôi vẫn tham gia nghiên cứu khoa học quân sự với mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc hoàn thiện học thuyết Quốc phòng Việt Nam. Bên cạnh việc tích tham gia vào những công việc từ thiện, tri ân, tôi cũng quan tâm đến việc xử lý môi trường sau chiến tranh...
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu