Trong công văn gửi các tỉnh, thành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định "nguy cơ dịch tiếp tục lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn".

UBND các tỉnh, thành được yêu cầu lập các đoàn công tác, cử cán bộ kỹ thuật xuống địa phương có ổ dịch để xử lý, ngăn chặn dịch lây lan; đồng thời, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và cơ sở giết mổ.

Tiêu hủy lợn mắc dịch tả châu Phi ở xã Thanh Bình, Chương Mỹ, Hà Nội tháng 6/2019. Ảnh: Tất ĐịnhTiêu hủy lợn mắc dịch tả châu Phi ở xã Thanh Bình, Chương Mỹ, Hà Nội tháng 6/2019 (Ảnh: Tất Định)

Theo Cục Thú y, nguyên nhân khiến dịch tái phát do một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi tái đàn, lợn con chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái, không rõ nguồn gốc.

"Các ổ dịch tái phát, xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học", Cục Thú y cho hay.

20 địa phương tái phát dịch tả lợn châu Phi gồm: Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên đầu tháng 2/2019, trong vòng 7 tháng, dịch lan ra 63 tỉnh thành. Khoảng 6 triệu con lợn, tổng trọng lượng gần 340.000 tấn đã bị tiêu hủy, làm giảm trên 8% sản lượng thịt lợn cả nước. Nhiều địa phương phải chi hàng nghìn tỷ đồng để ngăn chặn dịch.

Đầu tháng 2/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt. Việc thiếu hụt sản lượng đẩy giá thịt lợn tăng cao từ cuối năm 2019 đến nay, có thời điểm, giá lợn hơi lên tới 103.000 đồng/kg.

Trúc Mai