Tản mạn chữ nghĩa thời hội nhập - Hình 1

Nhà báo Xuân Phong

 

Nhiều người bĩu môi: “Ôi dào, thời đại công nghệ số, thời cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ cần viết, bạn đọc hiểu được nội dung là đủ; ai hơi đâu quan tâm tới văn phong chữ nghĩa, câu từ - đúng sai - kệ (?)”.

Chẳng thế mà có cái gọi là “báo lá cải”. Hồi nào, thứ báo vỗn dĩ mắc nhiều “sạn”, nội dung thông tin, văn phong chữ nghĩa thiếu chuẩn xác, câu từ lủng củng… Nhiều bạn đọc, ý thức được với thứ “báo lá cải”; và những ai làm báo đó hẳn cũng biết xấu hổ! Chiểu theo thứ “báo lá cải”, trong nhận thức của tôi, nhận thấy rằng, thời nay, có không ít báo, nhất là báo mạng còn… “lá cải” hơn: Thông tin thiếu chuẩn xác; thổi phồng sự thật; mang tính giật gân nhằm hút bạn đọc; câu từ lủng củng, luộm thuộm; viết hoa, viết tắt bừa bãi; chẳng phải câu cũng “chấm”…

Không ít bài viết trên các báo, tác giả thiếu hiểu biết về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội dẫn đến những sai phạm (có khi là nghiêm trọng), không đáng có.

Còn nhớ, cách đây hơn 7 năm, khi đó, một người bạn tên Q giới thiệu tôi về làm biên tập tại một tờ báo ngành. Q mang về một tờ (số) báo và bảo: “Họ biết anh từ lâu, nhưng anh cứ “dọn vườn” để họ càng rõ hơn”. Thế là tôi say sưa “nhặt sạn” - khó tưởng tượng nổi nó “sạn” tới mức nào, đến mức có trang không còn chỗ nào để mà sửa! Tuy nhiên, tôi chưa kịp về thì tờ báo đã sáp nhập với một tờ khác.

Mới đây, có anh bạn đưa tôi một cuốn tạp chí lớn, Kỷ niệm 70 năm thành lập, bảo “anh thử dọn vườn”. Tôi đọc và sửa 3 bài đầu của nguyên 3 vị cán bộ lãnh đạo tạp chí, thấy buồn vì có quá nhiều lỗi…

Quả đúng là thời nay, không ít người chẳng mấy quan tâm tới những vấn đề nêu trên?

Nhân dịp Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin mạo muội nêu ra đây một số vấn đề liên quan tới văn phong, chữ nghĩa - chỉ là những kinh nghiệm có được đối với tôi trong suốt hơn 10 năm làm nghề “bếp núc” ở một số tờ báo và tạp chí. Đây cũng chỉ là lối tư duy nghĩ gì nói đấy…

Tản mạn chữ nghĩa thời hội nhập - Hình 2

Hội báo toàn quốc 2018

Trước hết, người làm báo luôn phải đặt mình trong nhận thức của sự hiểu nhiều biết rộng, điều này nó gắn với quá trình nhào lặn không mệt mỏi, không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, đạo đức tác phong, chuyên môn, nghiệp vụ; rèn mình đi đôi với rèn câu, rèn chữ; học cách giao tiếp, ứng xử ở trường đời.

Nhà báo, phóng viên cần có sự am hiểu nhất định về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, các vấn đề liên quan tới ngành, lĩnh vực, vùng, miền, địa phương…

Cách dùng từ ngữ phải chuẩn, thống nhất, đồng nhất, tránh sự khập khiễng (nhất là bài liên quan tới vấn đề chính trị). Ví dụ: Thứ tự dùng các cụm từ “Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”; “tỉnh và huyện”; “xử lý tập thể và cá nhân”; “doanh nghiệp và doanh nhân”… Những thông tin liên quan tới con người (nhất là các vị chức sắc), địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cần hết sức cẩn trọng, chính xác.

Đối với báo viết (báo mạng, báo giấy), cách dùng các cụm từ nối sao cho hợp lý, tránh bị hiểu nhầm hoặc tức cười, không mang tính báo chí. Ví dụ, trong nhiều trường hợp xuất hiện các cụm từ “cơ quan phòng, chống ma túy” thì nên viết liền “cơ quan phòng chống ma túy”; “các y, bác sỹ” nên “các y bác sỹ”; “trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp” nên “trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp”; “vào tối ngày 23/5” nên “vào tối 23/5”…

Những thành phố trực thuộc Trung ương thì nhất thiết phải viết hoa: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hải Phòng.

Tản mạn chữ nghĩa thời hội nhập - Hình 3

Tác nghiệp

Tại các tỉnh, thành phố, có các đơn vị hành chính trực thuộc khác nhau (quận, huyện, thị xã), nếu viết bài có nội dụng thông tin liên quan tới các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, thành phố đó, thì phải có sự logic. Ví dụ, đối với Hà Nội, khi phóng viên viết bài mà nội dung có liên quan tới các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố, thì nhất thiết phải đề cập tới cả quận, huyện và thị xã. Thực tế, có những bài báo, có phóng viên viết “quên” luôn thị xã Sơn Tây!

Tránh viết hoa vô tội vạ! Rất nhiều phóng viên quá dễ dãi trong các bài viết của mình bằng việc “thích viết hoa”. Ví dụ: Trong công viên, có các loài chim như Công, Phượng, Vẹt; các loài cây như Thông, Sến, Táu… Đối với địa phương, ngành, cũng thích thì… viết hoa. Có khi thứ cần viết hoa thì không viết và ngược lại. Ví dụ, UBND thành phố Đà Nẵng (đúng ra cần viết hoa “Thành phố”); trong khi đó lại viết “trên địa bàn Thành phố” (đúng ra không viết hoa). Đối với ngành, lĩnh vực, có khi cũng viết hoa như Ngành Công thương, Ngành Nông nghiệp, Ngành Thủy sản (viết hoa là sai)…

Viết tắt vô tội vạ. Có bài báo dài cả trang, đoạn thì DN (thậm chí, người viết đã thực hiện công đoạn “các doanh nghiệp (DN), đoạn dưới lại doanh nghiệp rồi lại DN; đoạn BHYT, đoạn bảo hiểm y tế khiến người biên tập mất rất nhiều công sức xử lý; rồi BHTT (bảo hiểm thân thể) hay như GLTM (gian lận thương mại)…, cứ vô tư viết, khiến người biên tập đôi khi không luận nổi nó là gì?

Câu chữ lủng củng, luộm thuộm, khó hiểu. Có những phóng viên, thậm chí viết bài nhưng không hiểu về câu. Nhiều mệnh đề đưa ngay phần đầu (sapo hay đoạn xuống dòng), chưa phải câu nhưng đã “chấm”. Ví dụ, “Nhằm quản lý tốt hơn vấn đề an ninh trên địa bàn. UBND xã X đã ra Nghị quyết số…”. Đúng ra phải là “Nhằm quản lý tốt hơn vấn đề an ninh trên địa bàn, UBND xã X đã ra Nghị quyết số…”. Có những bài báo, ngay phần sapo, viết “tràng giang đại hải”, dài tới vài trăm chữ, hết “phẩy” rồi lại “chấm phẩy”, tìm mãi chẳng thấy đâu là chủ ngữ, vị ngữ (?!).

Hiện tượng viết thừa, lặp đilặp lại trong một câu, khá phố biến. Ví dụ, “đa số các nhà đầu tư, các doanh nghiệp…” (đã “đa số” thì thôi “các”); “theo ông A cho biết” (đã “theo” thì thôi “cho biết”; “hiện cơ quan quản lý đang thu thập thông tin” (đã “hiện” thì thôi “đang”)…

Đối với báo (báo viết, báo mạng), tít chính của bài, không nên lạm dụng viết dài, trình bày vừa không bắt mắt, lại dễ bị rối. Báo viết, chỉ nên 4 - 8 chữ; báo mạng (tùy từng cơ quan), phổ biến giới hạn 18 chữ để không bị mất chữ khi đăng tải.

Tít phụ của bài, tránh tình trạng tít đầu tiên 3 chữ cộc lốc, tít thứ hai 10 - 12 chữ, tít thứ ba lại 3 - 4 chữ. Như thế, thiếu tính thống nhất, nhìn vào trang báo không đẹp. Hợp lý đó là dù 2 - 3 hay 4 tít phụ, thì nên dùng 4 - 5 - 6 - 7 chữ/tít (mỗi tít phụ chỉ nên vênh nhau 1 - 2 chữ là cùng). Nhiều bài báo, nhất thiết phải có “box”. Thông thường, bài dài từ 1.000 chữ trở nên thì dùng box. Như thế, nội dung thêm sức nặng, điểm nhấn, trang báo hài hòa dễ coi.

Không ít phóng viên, viết bài phóng sự, điều tra, bài vở liên quan tới pháp luật…, dùng từ ngữ quá dễ dãi, thô thiển. Có phóng viên, khi không đạt được mục đích của mình, bị đối tượng từ chối thẳng thừng, phản ứng gay gắt thì trở nên cay cú, viết bài, mang tính “chụp mũ”, “quy kết”, có bao nhiêu từ ngữ nóng đều “lôi ra”, như: Chính quyền tỉnh Y sai phạm, làm ngơ, bảo kê; người dân xã M vô cùng bất bình, căm tức, uất hận; nhiều hộ dân sống cảnh khốn nạn, cùng cực…

Có thể, có trường hợp phóng viên buộc phải dùng từ ngữ như thế. Nhưng đó chỉ là hạn hữu, không mang tính phổ biến. Không thể chỗ nào, bài nào cũng dập khuôn bằng những từ ngữ đó. Bởi viết như thế, nó ảnh hưởng tới uy tín của báo nói riêng (có khi báo còn bị phạt, bị đình bản), ảnh hưởng tới đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, địa phương, tập thể, cá nhân và còn liên quan tới vấn đề chính trị, an ninh, cộng đồng xã hội…

Văn phong “tự ta” thì ít, cóp nhặt, sao chép thì nhiều (không tính đến bài viết lấy thông tin từ tài liệu, văn bản phóng viên liên hệ có được). Có phóng viên, do thiếu nhận thức, trách nhiệm (lười biếng), tìm thông tin trên một số báo, trên Internet, chưa được kiểm chứng, lối viết ẩu đúng kiểu “lá cải”, vội chộp lấy, không cần xử lý, cứ thế nộp cho trưởng - phó ban cốt “hoàn thành nhiệm vụ” (!).

Lối “đánh hội đồng” - Đây là con dao 2 lưỡi và là thứ “át chủ bài” của một số phóng viên, nhất là phóng viên trẻ hiện nay. Xin không đi sâu vấn đề này, song thiết nghĩ, một khi là nhà báo, phóng viên chân chính - hãy coi đây chỉ là thứ sản phẩm nặng tính “ăn xổi ở thì” thời kỳ hội nhập…

Báo chí là một sản phẩm xã hội; người làm báo được coi là "chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng" và là cầu nối tham gia vào các mối quan hệ xã hội. Trong các trường đào tạo, những nhà báo tương lai không chỉ được truyền đạt kiến thức nghiệp vụ, mà còn được lưu ý sâu sắc về đạo đức nghề nghiệp. Ðạo đức của nghề báo không thể đo đếm cụ thể, mà nó thể hiện trong hành vi, thái độ của người phóng viên và đặc biệt là trong sản phẩm báo chí được tạo ra.

Xuân Phong