Trong số 23 địa phương của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này, Tiền Giang là địa phương có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lớn nhất cả nước, tiếp đến là Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Phước…
Theo quy định của phía Trung Quốc, sầu riêng nhập khẩu vào quốc gia này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu cung cấp thông tin mã số vùng trồng; mã số cơ sở đóng gói cho cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc.
Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, ngoài giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, còn đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện trách nhiệm trong sản xuất của nước xuất khẩu.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật lưu ý, để mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng, các nhà vườn, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng, cũng như các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.
“Với mỗi thị trường nhập khẩu hiện nay đều có các yêu cầu cụ thể về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,… mỗi quốc gia có yêu cầu khác nhau về các thông tin này. Thông tin về nông sản nhập khẩu sẽ được kiểm soát từ khâu sản xuất, kinh doanh, thu hái đến khi xuất khẩu đều phải đưa vào trong hệ thống dữ liệu để quản lý”, ông Đạt nói.
Trong khi sầu riêng Việt Nam chỉ mất khoảng 2 ngày vận chuyển sang thị trường Trung Quốc thì Thái Lan mất 7 ngày. Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam có lợi thế cả về giá bán. Tuy nhiên, Thái Lan giữ ưu thế về sản lượng, nước này cũng đang chuyển sang vận chuyển bằng tàu cao tốc Lào - Trung Quốc để rút ngắn thời gian vận chuyển.
Philippines đang cung cấp sầu riêng ra thị trường từ tháng Hai đến tháng Tư và từ tháng Tám đến tháng 10 hàng năm. Dù mới tham gia xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng số lượng từ nước này cũng lên gần 100.000 tấn. Với sầu riêng tươi từ Philippines, chất lượng khá vượt trội nên năm nay Việt Nam tiếp tục đối đầu với nhiều đối thủ mạnh.
Ở phân khúc cao cấp, Malaysia đã xuất khẩu múi sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc từ 2011. Ngoài các đối thủ này, về dài hạn, thị trường Trung Quốc sẽ còn có sầu riêng nội địa.
Hiện kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng. Nhu cầu xuất khẩu tăng cao khiến giá bán tăng cao, diện tích trồng sầu riêng cũng tăng.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, vào đầu năm 2023, diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ là 47.208 ha, đến đầu năm 2024 đã là 62.173 ha, tăng gần 15.000 ha. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 ha sầu riêng, tăng hơn 19.200 ha chỉ sau một năm.
Thiên Trường (t/h)