Đây là một trong các hoạt động nhằm triển khai Kế hoạch số 3926/KH-BKHCN-BCT-BNNPTNT ngày 31/12/2021 về phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2025 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và theo Kế hoạch hợp tác song phương giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của khoảng 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, Sở KH&CN các tỉnh/thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành nghề và các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội và ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ tham dự khai mạc và chủ trì Hội thảo.
Với vị trí thông thương thuận lợi, thị trường Trung Quốc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Việt Nam như một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 117,87 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Chính vì vậy, nhu cầu của doanh nghiệp và các chủ thể liên quan tới hoạt động sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ nhằm xác lập, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, phục vụ xuất khẩu hàng hoá tại Trung Quốc ngày càng lớn.
Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ nói chung, và nhãn hiệu nói riêng có nguồn gốc Việt Nam tại Trung Quốc vẫn còn khá khiêm tốn. Trong 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp Việt Nam nộp khoảng gần 400 đơn đăng ký nhãn hiệu vào Trung Quốc dưới cả hai hình thức nộp trực tiếp và thông qua hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế Madrid. Số lượng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp ra cho người Việt Nam hàng năm là khoảng 250 giấy chứng nhận. Một phần nguyên nhân của thực trạng này là các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa nắm bắt đầy đủ thông tin về hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc cũng như thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong bảo hộ và sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc.
Hội thảo “Bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Trung Quốc” được tổ chức là một trong những nỗ lực nhằm tăng cường hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về hệ thống đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Trung Quốc.
Trình bày tại Hội thảo bao gồm các diễn giả đến từ Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc và các luật sư tư vấn sở hữu trí tuệ của hai nước. Các vấn đề từ quy trình xác lập quyền đối với nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý, những lưu ý cần thiết cho các doanh nghiệp khi muốn đăng ký bảo hộ cho sản phẩm của mình tại Trung Quốc dưới các chế định này, cách thức quản lý nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, tới các ví dụ thực tiễn về tranh tụng liên quan tới các đối tượng này đã được các diễn giả phân tích tại Hội thảo.
Với những đặc thù riêng biệt trong hệ thống quản lý và đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc, những thông tin được các diễn giả cung cấp thực sự có giá trị thực tiễn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong quá trình đánh giá thị trường, lựa chọn cách thức đăng ký bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ phù hợp và quản lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình tại thị trường Trung Quốc.
Minh Anh (T/h)