Cán bộ BHXH huyện Quảng Xương phối hợp với Tổ chức dịch vụ thu Bưu điện tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng tại các hộ gia đình.
Cán bộ BHXH huyện Quảng Xương phối hợp với Tổ chức dịch vụ thu Bưu điện tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng tại các hộ gia đình.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Thanh Hóa có 30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; đến giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa chỉ còn 3 xã nằm trong diện này. Không chờ đợi, ỷ lại các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong những năm qua, các xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển đã chủ động thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, tích cực vận động người dân tham gia BHYT đạt tỷ lệ ngày càng cao.

Trước đây, các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động, tăng diện bao phủ BHXH, BHYT do ngư dân thường xuyên đi biển dài ngày. Bên cạnh đó, nhiều xã thuộc vùng bãi ngang ven biển từ chỗ được Nhà nước bao cấp tham gia BHYT sau khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn phải tham gia theo hình thức tự đóng. Đến nay, qua các kênh tuyên truyền, hiểu biết về tầm quan trọng và lợi ích thiết thực của BHXH, BHYT của người dân ngày càng được nâng lên. Do vậy, tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT của các địa phương ven biển phát triển theo từng năm, diện bao phủ đảm bảo mục tiêu đề ra.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa chỉ còn 3 xã là: Ngư Lộc (Hậu Lộc), Hải Hà và Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) thuộc xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn và xã đảo được hưởng các chế độ cấp BHYT miễn phí. Các xã ven biển còn lại đang hưởng các chính sách chung về hỗ trợ mức đóng BHXH, BHYT như: Giảm mức đóng cho các hộ cận nghèo, các hộ làm nông, diêm, ngư nghiệp, giảm mức đóng BHYT tham gia theo hộ gia đình.

Các địa phương ven biển đang tích cực thực hiện các giải pháp tiến tới BHXH, BHYT toàn dân, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền sâu rộng chính sách BHXH, BHYT nhằm nâng cao nhận thức của người dân; phân tích, phân loại từng nhóm đối tượng theo từng địa bàn tại các xã, phường, thị trấn và xây dựng kịch bản, triển khai các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng.

Đồng thời, các địa phương thường xuyên trao đổi, học hỏi các mô hình, cách làm hay để áp dụng vào địa phương mình. BHXH các địa phương cũng tăng cường phối hợp với sở, ngành, chính quyền địa phương trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, kết nối, chia sẻ dữ liệu tiềm năng; thường xuyên trao đổi, theo dõi, đôn đốc, kịp thời đề xuất, tháo gỡ vướng mắc để các địa phương triển khai, thực hiện hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

Lê Huy