Tăng tuổi nghỉ hưu tạo điều kiện cho người lao động làm việc lâu dài hơn
Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) lần này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ thảo luận Đề án và dự kiến ban hành Nghị quyết về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Hai phương án nghỉ hưu mới
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, liên quan đến đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án điều chỉnh. Phương án một là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 1-1-2021 và theo lộ trình đối với người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án hai là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 1-1-2021 và theo lộ trình đối với người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 4 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, 2 phương án này được khảo sát, nghiên cứu từ thực tế và có tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, đề xuất lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu nhằm không gây sốc đối với người lao động.
Lý giải sự cần thiết của việc điều chỉnh tuổi hưu, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế chung của thế giới, nhất là khi đời sống vật chất, tinh thần và thể lực được cải thiện nên tuổi thọ dân số tăng lên. Việt Nam đang có tốc độ già hóa thuộc nhóm nhanh nhất trên thế giới, số người già trên tuổi 60 sẽ tăng từ 9,2 triệu người năm 2015 lên 30 triệu người năm 2057.
Dân số già nhanh và lực lượng lao động có xu hướng bắt đầu giảm trong hai thập kỷ tới, nên việc tăng dần tuổi hưu một cách phù hợp là để duy trì sự ổn định của thị trường lao động, tránh sự bị động.
Theo các chuyên gia lao động, đây là thời điểm chín muồi để điều chỉnh tuổi hưu, Việt Nam phải nhanh chóng và quyết đoán thay đổi để phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Nếu tuổi hưu không được điều chỉnh thì cả hệ thống an sinh xã hội bị thách thức.
Tăng tuổi hưu theo nhóm lao động
Nhận định về việc điều chỉnh tuổi hưu là một trong những giải cơ bản trong tổng thể hệ thống cải cách chính sách BHXH ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP Hà Nội) cho biết, theo các cơ quan tham mưu, tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam tương đối thấp trong khi lại có kỳ vọng sống. Tuổi thọ trung bình hiện nay là 73,4 tuổi, việc tình đến điều chỉnh tuổi hưu là có cơ sở.
Dù vậy, việc tăng tuổi hưu không thể áp dụng chung với mọi đối tượng mà phải được cân nhắc vấn đề sức khỏe của người lao động, phân loại ngành, nghề và sử dụng tuổi hưu linh hoạt trong một khoảng tuổi nào đó. Người lao động Việt Nam tuổi thọ tuy tăng nhưng sức khỏe hầu như không tiến bộ.
Điều kiện lao động ở nước ta chậm được cải thiện, nhiều nơi còn thô sơ, có nơi khắc nghiệt, nhiều rủi ro. Nếu lao động không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì năng suất lao động thấp điều này sẽ gây bất lợi về mặt kinh tế ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đa số người lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Do đó, việc tăng tuổi hưu cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ với tầm nhìn dài hạn. Việc quy định độ tuổi nghỉ hưu cần phải linh hoạt, không áp dụng chung một độ tuổi cho tất cả các ngành nghề. Theo đó, người muốn tiếp tục cống hiến thì để họ có quyền lựa chọn tuổi nghỉ hưu trong khung quy định phù hợp với điều kiện sức khỏe, kinh tế, hoàn cảnh gia đình hay nguyện vọng.
Theo ANTĐ