Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển lần thứ 3 được triệu tập theo Nghị quyết 2750 C (XXV) của Đại hội đồng ngày 17/12/1970. Hội nghị tiến hành 10 khóa họp từ năm 1973-1982, mỗi khóa kéo dài 02 tháng, với sự tham dự của 160 nước.
Kết quả của Hội nghị là một Công ước quốc tế đa phương đồ sộ về Luật Biển, gọi tắt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), bao gồm 320 điều khoản và 9 phụ lục. Lễ ký UNCLOS tổ chức tại Montego (Jamaca) ngày 10/12/1982 và tiếp tục để mở cho các nước khác ký tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) từ 01/07/1983.
UNCLOS 1982 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và trở thành một trong những văn kiện quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ XX, với 168 quốc gia phê chuẩn tính đến nay.
Việt Nam bắt đầu tham dự Hội nghị LHQ về Luật Biển lần thứ III từ tháng 05/1977 (Khóa họp lần 6); ngay sau khi đất nước thống nhất và trở thành thành viên của LHQ. Trước đó, từ 1973-1976, là giai đoạn đấu tranh về tư cách đại diện của miền Nam Việt Nam tại Hội nghị.
Việt Nam tham dự Hội nghị LHQ về Luật Biển trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, tư liệu về luật biển rất hạn chế, kinh nghiệm hoạt động tại diễn đàn đa phương đang còn thiếu. Ta tham dự khá muộn khi các bên đã đi sâu vào đàm phán nhân nhượng thực chất nên khá bỡ ngỡ, chủ trương chính sách biển của Nhà nước ta liên quan đến các nội dung đang thảo luận tại hội trường chưa hình thành rõ nét.
Trong bối cảnh đó, đoàn phải tích cực làm nhiều việc cùng một lúc, vừa học hỏi và nắm bắt các khía cạnh lợi ích hoặc thiệt hại đối với mỗi nhóm nước, vừa xây dựng quan điểm pháp lý của ta trong các vấn đề mấu chốt với vị thế một quốc gia ven biển (trên một loạt vấn đề về quy chế lãnh hải và quyền qua lại vô hại của tàu nước ngoài trong đó có tàu quân sự, quy định về đường cơ sở, quy chế các đảo và bãi đá, chế độ pháp lý vùng đặc quyền kinh tế và quyền tự do hàng hải, giới hạn ngoài cùng của thềm lục địa, các nguyên tắc về phân định biển, nguyên tắc và cơ chế giải quyết tranh chấp, chế độ khai thác đáy đại dương, chiến lược kinh tế biển...).
Đồng thời, quá trình Việt Nam tham gia Hội nghị LHQ về Luật Biển cũng có một số mặt thuận lợi.
Một là, ngay sau khi đất nước thống nhất, Nhà nước ta đã rất coi trọng phần công tác về biên giới lãnh thổ, trong đó phải kể đến công lao của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn cơ Thạch. Ông Nguyễn Cơ Thạch là người có công đầu to lớn trong việc hoạch định chính sách chiến lược quốc gia về biển cũng như biên giới lãnh thổ và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực này.
Hai là, lúc đó nhóm các nước xã hội chủ nghĩa đang có một vai trò lớn tại Hội nghị và đồng thuận phối hợp chặt chẽ về quan điểm.
Ba là, đoàn ta còn tham gia nhóm các nước đang phát triển nên hiểu rõ hơn lợi ích của các nhóm nước khác nhau, đáp ứng được sự quan tâm của các cơ quan trong nước về lợi ích thiết thực của Việt Nam.
Mặt khác, cùng với hoạt động tham dự tại Hội nghị, phần việc quan trọng to lớn hơn đối với đoàn Việt Nam là chuyển tải ngay về trong nước các chế định mới và phát triển tiến bộ về Luật Biển, tuyên truyền giải thích về các điều khoản của dự thảo Công ước, phối hợp các ngành tiến hành một loạt nghiên cứu xây dựng chính sách của Nhà nước ta.
Nhiều bài viết về Hội nghị LHQ về Luật Biển và các quy định luật biển mới đã được đăng tải. Kết quả của các hoạt động này dẫn đến việc Chính phủ Việt Nam nhanh chóng ra tuyên bố 12/05/1977 về các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam (trước khi có UNCLOS 1982), tạo cơ sở cho đoàn khẳng định rõ lập trường tại Hội nghị và trong đàm phán phân định biển với các nước láng giềng trong giai đoạn sau này.
Xét tổng thể, đóng góp của đoàn Việt Nam trong và sau khi tham dự Hội nghị LHQ về Luật Biển có thể tóm tắt trên hai khía cạnh.
Về đối ngoại, đã góp phần đề xuất và thực hiện các quyết sách lớn của Nhà nước ta về biển. Tiếp theo việc tham gia ký UNCLOS vào ngày 10/12/1982 tại Jamaica, ngày 23/6/1994, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này.
Điểm 1 trong Nghị quyết nêu rõ: "Bằng việc phê chuẩn UNCLOS 1982, nước CHXHCN Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển".
Quốc hội khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam.
Về xây dựng luật trong nước liên quan đến biển, đã tạo cơ sở cho việc tư vấn chính sách của Bộ Ngoại giao đối với Chính phủ và các ngành lên quan trong quá trình xây dựng và ban hành các quy định luật trong nước cũng như trong đàm phán phân định ranh giới biển với các nước láng giềng.
Cụ thể, tiếp sau Tuyên bố 12/05/1977, ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải. Theo đó, Việt Nam lựa chọn hệ thống đường cơ sở thẳng.
Tuyên bố cũng nêu rõ các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.
Ngày 21/06/2012, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam, gồm 7 chương, 55 điều, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường phù hợp với UNCLOS 1982.
Bộ Ngoại giao đã chủ trì đàm phán thành công với Thái Lan về phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (1992-1997), với Malaysia về thiết lập vùng khai thác chung trong khu vực thềm lục đia chồng lấn (1992), với Trung Quốc về việc phân định Vịnh Bắc Bộ (1974-2000), với Campuchia về “Vùng nước Lịch sử” giữa hai nước (1982), với Indonesia về phân định ranh giới thềm lục địa (1978-2003).
Mặc dù quá trình đàm phán khó khăn và kéo dài qua nhiều năm, nhưng kết quả đạt được đã góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Theo Báo Quốc tế