Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Tham gia Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Tận dụng cơ hội để tạo lập thế và lực mới

Tham gia cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu vừa là cơ hội lớn, vừa phải đối phó với thách thức không nhỏ đối với nước ta. Tuy vậy, kinh nghiệm được đúc rút từ khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới cho thấy rằng, cơ hội và thách thức luôn đồng hành, cần phải tranh thủ cơ hội để tạo lập thế và lực mới, tạo tiền đề để vượt qua thách thức, “biến nguy thành cơ”.

Cần cách tiếp cận khoa học

Thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới của thế giới có tác động lâu dài đến chủ trương thu hút và sử dụng vốn FDI của nước ta, do đó, cần có cách tiếp cận khoa học để khi áp dụng tại Việt Nam không gây ra tác động tiêu cực, mà trái lại góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của nước ta, hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 14/06/2022, TS. Nguyễn Anh Tuấn, TBT Tạp chí Nhà đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cho biết, ngày 08/10/2021, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) mà Việt Nam là một thành viên, đã ban hành tuyên bố về Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế số với sự đồng thuận của 136 nước thành viên. Trong đó, Trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được áp dụng từ năm 2023. Việc thực thi quy tắc Trụ cột 2 sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là đối với các dự án trọng điểm áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam". Ảnh Trọng Hiếu.

Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 ban hành ngày 20/08/2019 đã khẳng định “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác". Nghị quyết 50 cũng nêu rõ quan điểm: "Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu".

"Việc tham gia Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp FDI, song đồng thời đặt Việt Nam trước những thách thức mới về thu hút các dự án FDI trọng điểm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao thuộc lĩnh vực ưu tiên theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị khi công cụ ưu đãi thuế không còn được áp dụng", TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Trong bối cảnh đó, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, nhiều câu hỏi đang được các nhà đầu tư quan tâm như: Đâu là nội dung cơ bản và lộ trình áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu? Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại cơ hội và thách thức gì đối với Việt Nam? Tác động của việc thực thi Trụ cột 2 đối với thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam? Làm gì và làm như thế nào để khi thực thi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ chân các nhà đầu tư lớn và đảm bảo được sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư để tiếp tục thu hút được các dự án trọng điểm, công nghệ cao phục vụ công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước? Trước một vấn đề mới, phức tạp cần tổ chức nghiên cứu như thế nào để đề ra được các chính sách, giải pháp phù hợp đối với Việt Nam? Các nước đang phát triển tiếp nhận FDI đang giải quyết vấn đề này như thế nào và có thể rút ra bài học gì cho Việt Nam?....

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh; thay vì hướng tới ưu đãi về thuế. Theo đó, Việt Nam cần phát huy các thế mạnh môi trường chính trị ổn định, vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển hoàn thiện, nguồn nhân lực với  chi phí ở mức trung bình thấp. Chính phủ cũng cần chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể, đề xuất phương án phù hợp.

Cơ quan thuế cũng cần rà soát các chính sách phát luật về thuế để trình sửa đổi các quy định, quy trình kê khai thuế phù hợp với tiêu chuẩn; đồng thời có kế hoạch truyền thông, tập huấn cho cán bộ và các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện đúng các điều chỉnh về quy định pháp lý. Bên cạnh đó, cần xây dựng cẩm nang hướng dẫn thực hiện theo thỏa thuận quốc tế với những nội dung nếu Việt Nam cam kết như quy định về tránh hình thành cơ sở thường trú, định nghĩa về đối tượng có quan hệ liên kết, quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến thỏa thuận; cần nghiên cứu bổ sung cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp; nâng cao năng lực chống chuyển giá, trốn thuế, tránh thuế.…

Tận dụng hiệu quả cơ hội mới

Phân tích về vấn đề này, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho hay, thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề thời sự của thế giới để chống lại cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư thông qua giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; các quốc gia được khuyến khích hành động để hưởng lợi từ việc hạn chế cạnh tranh thuế và tránh việc các khoản thu thuế bị thu ở nơi khác, do đó Việt Nam chủ động tham gia và cần có giải pháp thích ứng để vừa bảo đảm thực hiện quy định của quốc tế, vừa bảo đảm lợi ích dân tộc.

Là nước đang phát triển, Việt Nam cần tham khảo khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế để vận dụng thích ứng với bối cảnh của nước ta, hướng đến mục tiêu vừa bảo đảm lợi ích nhà đầu tư nước ngoài, thu hút có hiệu quả và chất lượng hơn dự án quy mô lớn và nhà đầu tư tiềm năng từ các nước phát triển, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia trong hội nhập với thế giới.

Tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu vừa là cơ hội lớn, vừa phải đối phó với thách thức không nhỏ đối với nước ta; tuy vậy, kinh nghiệm được đúc rút từ khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới cho thấy rằng, cơ hội và thách thức luôn đồng hành khi xuất hiện chính sách và cơ chế mới; nếu chỉ lo ngại không vượt qua thách thức thì bỏ lỡ cơ hội, mà phải tranh thủ cơ hội mới để tạo lập thế và lực mới, tạo tiền đề để vượt qua thách thức, “biến nguy thành cơ”.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). Ảnh Trọng Hiếu
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) (Ảnh Trọng Hiếu)

Từ cách tiếp cận đó, GS.TSKH. Nguyễn Mại nêu lên các kiến nghị.

Một là chủ động tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tranh thủ cơ hội mới để cùng với đẩy nhanh hơn công cuộc cải cách đang được tiến hành, để tạo nên động lực mới thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn vốn FDI theo định hướng tại  Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Hai là đối chiếu quy định quốc tế về thuế tối thiểu toàn cầu với chính sách thuế và ưu đãi đầu tư tai Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế và các quy định có liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định quốc tế. Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước đnag phát triển áp dụng thuế tối thiểu để cân nhắc có nên áp dụng vào nước ta hay không khi điều chỉnh luật pháp liên quan đến FDI.

Ba là  đàm phán lại hợp đồng với doanh nghiệp FDI chịu tác động bởi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc “cùng có lợi”, để loại trừ khả năng chuyển thuế sang nước cư trú của nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp những nước chọn đơn phương giải quyết mà không đàm phán với doanh nghiệp FDI có thể dẫn đến việc tranh chấp bằng trọng tài với các công ty, gây tốn kém, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Bốn là đàm phán với một số nước có doanh nghiệp FDI chịu tác động cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu một số  nôi dung hạn chế của Hiệp định đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế trùng để phù hợp với luật pháp đã được điều chỉnh.

Để thực hiện bốn nội dung trên đây, Chính phủ thành lập “Tổ công tác đặc nhiệm về thuế tối thiểu  toàn cầu” có nhiệm vụ nghiên cứu toàn diện quy định của các tổ chức quốc tế, các quốc gia có doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chịu tác động của cơ chế này, kinh nghiệm của một số nước đang phát triển, đề ra giải pháp đồng bộ khi nước ta tham gia thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng  ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị, Việt Nam nên chủ động áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%, cùng với đó, sửa Luật Thuế TNDN, Luật Đầu tư để luật hoá cam kết này; cần có chương trình hỗ trợ các nhà đầu tư đang được hưởng ưu đãi thuế dưới mức 15%. Ngoài ra, cần thành lập Tổ công tác gồm các cơ quan Thuế, Đầu tư, Xây dựng, Lao động và Khoa học công nghệ để nghiên cứu, đề xuất chính sách giải pháp phù hợp cho Việt Nam.

Việt Anh

Bài liên quan

Tin mới

Cục Hàng không Việt Nam: Lập đoàn kiểm tra giá vé máy bay
Cục Hàng không Việt Nam: Lập đoàn kiểm tra giá vé máy bay

Cục Hàng không Việt Nam vừa quyết định thành lập đoàn kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam.

Công an TP. Thanh Hóa triệt phá đường dây mua bán ma tuý
Công an TP. Thanh Hóa triệt phá đường dây mua bán ma tuý

Công an TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa vừa điều tra, làm rõ và triệt phá đường dây mua bán ma túy từ Hà Nội về Thanh Hóa tiêu thụ và bắt giữ 3 đối tượng.

Quảng Ninh: Quyết liệt xử lý vi phạm hành lang đường bộ
Quảng Ninh: Quyết liệt xử lý vi phạm hành lang đường bộ

Tình trạng vi phạm hành lang đường bộ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi đỗ và trông giữ xe ở một số đô thị trên địa bàn Quảng Ninh đã dẫn đến nguy cơ mất ATGT, mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân. Để khắc phục tình trạng trên, Sở GT-VT và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp.

Phiên chợ thực phẩm an toàn năm 2024 tại Thanh Hóa
Phiên chợ thực phẩm an toàn năm 2024 tại Thanh Hóa

Sáng 6/5, tại Sân vận động thị trấn Sao Vàng, Sở Công Thương Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức khai mạc phiên chợ thực phẩm an toàn năm 2024.

Lào Cai xuất hiện dông lốc, mưa đá trong đêm
Lào Cai xuất hiện dông lốc, mưa đá trong đêm

Đêm 5/5, nhiều địa phương tại Lào Cai bất ngờ xuất hiện mưa lớn kèm theo dông lốc, sấm sét. Đặc biệt, có những nơi xuất hiện mưa đá, với cường độ từ trung bình đến dày đặc.

Báo chí Argentina liên tục đăng bài ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ
Báo chí Argentina liên tục đăng bài ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ

Gần đến ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều tờ báo lớn của Argentina tiếp tục đăng bài viết khẳng định chiến thắng này không chỉ ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam mà còn làm thay đổi cục diện thế giới, đồng thời cho rằng thắng lợi đó được bắt nguồn từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.