Ảnh minh họa
Theo bà Victoria Kwaka, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và khu vực vẫn còn hạn chế mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các GVC, xếp thứ 55/174 quốc gia. Con số này chưa bằng ¼ của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippin (với 84,8 tỷ USD và xếp thứ 34).
Thứ hai, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi, phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp. Theo Báo cáo Phát triển Thế giới (WDR) 2020, mức độ tham gia của Việt Nam là chế biến chế tạo mức hạn chế và cần tiến lên trong GVC để nâng cao năng suất.
Hai cấp độ tinh vi, phức tạp tiếp theo trong sự tham gia vào GVC là chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến và các hoạt động đổi mới sáng tạo. WDR năm 2020 ước tính, cứ 1% tăng lên trong sự tham gia GVC sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1%, nhiều hơn khoảng 2 lần so với thương mại truyền thống. Do vậy, tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào GVC rất quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho rằng, để chuẩn bị tốt cho việc phục hồi mạnh mẽ và tận dụng các cơ hội mới xuất hiện, trong tầm ngắn hạn, việc đa dạng hóa của các công ty đa quốc gia phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các cơ sở sản xuất thay thế. Việt Nam nên tiếp tục giảm bớt các hạn chế đối với dòng vốn FDI vào và lĩnh vực kinh doanh của FDI.
Trong tầm trung hạn, việc chuẩn bị tốt cho tình trạng bình thường mới của các GVC là điều quan trọng. Không thể thiết lập chuỗi cung ứng trong một sớm một chiều và Việt Nam cần xem xét một loạt biện pháp, bao gồm:
Cân nhắc xây dựng các chiến lược để chủ động hướng vào và thu hút các nhà đầu tư từ Trung Quốc (sử dụng các Hiệp định xúc tiến và bảo hộ đầu tư và các biện pháp khuyến khích đặc biệt).
Cải thiện đòn bẩy FDI, thưc hiện các biện pháp tăng cường liên kết chặt chẽ hơn giữa FDI và doanh nghiệp trong nước. Chính phủ cũng có thể xem xét lại chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của mình. Việc hỗ trợ đang diễn ra thiên về đổi mới sáng tạo dựa trên R&D, ứng dụng do các tổ chức của trường đại học và các tổ chức nghiên cứu, các công ty FDI thực hiện.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, phần lớn kết quả tăng năng suất ở Việt Nam có lẽ là nhờ nâng cấp trình độ quản lý, sản xuất và ứng dụng các công nghệ hiện có. Vì vậy, việc tái cân bằng các nguồn lực và công cụ chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt nhằm giúp họ “tiến tới giới hạn năng suất hiện tại” thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ sẵn có nên là một trụ cột ưu tiên chính trong Chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Trong tầm dài hạn, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách về năng suất và tiến tới giới hạn về năng suất. Tính trung bình, năng suất lao động trong các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển chưa bằng 1/5 mức ở các nền kinh tế tiên tiến, và kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, chỉ những nền kinh tế với những đặc điểm như chất lượng thể chế hoặc trình độ học vấn cao mới có thể tiếp cận được giới hạn này.
“Cần nhấn mạnh vào phát triển kỹ năng và xây dựng năng lực R&D cũng như thực hiện hữu hiệu đột phá của Việt Nam về cải cách thể chế. Phát triển kỹ năng là yếu tố quan trọng để nâng cao mức độ tham gia vào GVC, từ mức chế biến chế tạo hạn chế hiện nay lên mức chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến. Đồng thời, Việt Nam cũng cần quan tâm đúng mức tới năng lực R&D và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi dần dần sang mức độ cuối cùng của sự tham gia vào GVC là các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Để tiếp tục đảm bảo phát triển bao trùm, Việt Nam cần quản lý tốt những gián đoạn trên thị trường lao động, một hệ quả của phát triển công nghệ, gắn với các xu hướng tự động hóa và số hóa đang nổi lên. Tiếp tục hợp tác quốc tế để duy trì một hệ thống thương mại mở và dựa trên các quy tắc luật pháp sẽ là điều kiện thiết yếu để phục hồi và phát triển bền vững”, bà Victoria Kwaka nhấn mạnh.
Thái Bình