Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đại diện Sở Tư pháp các tỉnh: Lai Châu, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hoá; đại diện một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện VCCI Thanh Hoá, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh Thanh Hoá, các công ty tư vấn luật, văn phòng luật sư, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những nội dung quan trọng được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và hướng dẫn tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, ngày 24/6/2019 của Chính phủ.

Chính sách này nhằm nâng cao hiểu biết, năng lực, kỹ năng thực hiện pháp luật cho đội ngũ quản lý, pháp chế của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó giúp các doanh nghiệp phòng ngừa, hạn chế rủi ro pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục Trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, nhấn mạnh: Qua tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 55/2019/NĐ-CP và kết quả tổ chức các hoạt động về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy, một số quy định của Nghị định 55 bộc lộ bất cập, hạn chế khiến các doanh nghiệp, tổ chức đại diện của doanh nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, trước yêu cầu, bối cảnh mới, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra, cần bổ sung, sửa đổi Nghị định 55 nhằm thực hiện tốt hơn vai trò hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, phòng tránh rủi ro pháp lý, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, tiếp cận chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Một số ý kiến đề cập đến quy định về mạng lưới tư vấn viên pháp luật; về định mức, trình tự, thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; về xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc giải quyết vướng mắc pháp lý liên ngành...

Một số ý kiến chia sẻ những cách làm hiệu quả trong triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ được ban tổ chức tổng hợp, đánh giá, từ đó có cơ sở thực tiễn đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP nhằm đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần khắc phục tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu, bối cảnh mới trong giai đoạn phát triển mới.

An Nhiên