THCL Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2016 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,48% so với tháng 12 năm trước. Như vậy, CPI bình quân 7 tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,82%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm tăng; trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất 1,19%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,14%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%.

Có 4 nhóm ổn định hoặc chỉ tăng rất nhẹ là: may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,01%; giáo dục không thay đổi. Có 2 nhóm hàng giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05% và bưu chính viễn thông giảm 0,1%.

Các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7/2016 chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu; nhu cầu sử dụng điện, nước và thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa hè tăng; giá một số mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tăng...

Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá nêu trên cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI tăng trong tháng 7/2016 như nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào; giá gas giảm; giá vật liệu xây dựng giảm...

Cũng trong tháng 7, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới; tỷ giá đô la Mỹ ổn định.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2016 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,85% so với cùng kỳ; 7 tháng năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%.

Bình quân 7 tháng qua so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (tăng 1,82%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) gần tiệm cận với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Dự báo CPI tháng 8/2016 sẽ tăng nhẹ so với tháng trước do một số yếu tố như: giá dịch vụ y tế tăng đợt 1 (17 tỉnh, thành phố tăng); học phí các cấp học từ mầm non đến đại học tăng; nhu cầu về sách vở và đồ dùng học tập. Bên cạnh đó, cũng có các yếu tố kiềm chế CPI tháng 8, đó là: giá lương thực thực phẩm ổn định với xu hướng giảm nhẹ và giá xăng dầu giảm theo giá dầu thế giới.

Theo Chinhphu,vn