Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC tỉnh Thanh Hóa.
Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC tỉnh Thanh Hóa

Phát triển hạ tầng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

Kế hoạch nhằm:

Phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền; đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của Nhân dân; sẵn sàng đáp ứng nhu cầu kết nối, xử lý dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin mạng;

Phát triển hạ tầng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh; nâng cao chất lượng mạng 4G, từng bước triển khai mạng 5G; phổ cập Internet băng rộng, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; thúc đẩy chuyển dịch từ dịch vụ viễn thông cơ bản sang dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông;

Phát triển hạ tầng số của tỉnh góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến 2030;

Tăng cường công tác quản lý nhà nước; tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh; đảm bảo an toàn mạng lưới, giảm thiểu các sự cố mất thông tin liên lạc, đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị...

Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

Theo nội dung Kế hoạch, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 đối với mạng viễn thông băng rộng di động đó là:

Số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 70%; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng đạt 100%; tỷ lệ dùng chung vị trí trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS) đạt 15%;

Đối với mạng viễn thông băng rộng cố định, phấn đấu tỷ lệ phần trăm hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 75%; tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 100%;

Đối với hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, tỷ lệ hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây đạt 100%;

Đối với hạ tầng công nghệ số, phấn đấu đến năm 2025 công nghệ trí tuệ nhân tạo (công nghệ AI), công nghệ chuỗi khối (công nghệ blockchain), công nghệ Internet vạn vật (công nghệ IoT) sẽ hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số tỉnh, phát triển kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực quản trị;

Đồng thời, 100% dịch vụ trung tâm dữ liệu (thuê chỗ đặt máy chủ, thuê máy chủ, thuê lưu trữ) được chuyển sang dịch vụ điện toán đám mây; hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng IoT được tích hợp, ứng dụng rộng khắp trong các lĩnh vực của nền kinh tế số, xã hội số (công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng, tài nguyên, môi trường...);

Đối với nền tảng số có tính chất hạ tầng, tỷ lệ cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng nền tảng số đạt 100% và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số đạt 50% vào năm 2025.

Hoài Thu