Theo Đề án "Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025", thì sẽ có 13 trường THPT được giải thể, sáp nhập. Cụ thể, vào tháng 8/2018 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa quyết định giải thể 5 trường gồm: THPT Tĩnh Gia 5 (huyện Tĩnh Gia), Triệu Sơn 6 (Triệu Sơn), Lê Văn Linh (Thọ Xuân), Đinh Chương Dương (Hậu Lộc) và THPT Trần Khát Chân (Vĩnh Lộc).
Theo lộ trình, đến giai đoạn 2019 - 2020 sẽ tiếp tục giải thể, sáp nhập 8 trường THPT. Trường THPT Trần Ân Chiêm (Huyện Yên Định) cũng là một trong 8 trường nằm trong lộ trình trên.
Mục tiêu giải thể và sáp nhập các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo điều kiện và khuyến khích xã hội hóa giáo dục, phát triển trường tư thục chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tuy nhiên, toàn bộ phụ huynh nhà trường Trần Ân Chiêm cũng như các phụ huynh có con em chuẩn bị vào cấp THPT trên địa bàn huyện Yên Định đang vô cùng lo lắng vì cho rằng nếu như trường bị giải thể, việc học tập của con em họ sẽ gặp vô vàn khó khăn, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ bỏ học, không được đi học. Trái ngược lại với mục tiêu mà đề án đã đề ra.
Rất nhiều phụ huynh học sinh trường Trần Ân Chiêm lên tiếng phản đối việc giải thể trường bởi nhiều bất cập tồn tại
Theo phản ánh của phụ huynh học sinh, huyện Yên Định được chia thành 2 vùng: Yên và Định. Học sinh đi học cũng chia thành 2 vùng Yên và Định, số lượng học sinh giữa 2 vùng cơ bản ngang nhau. Vùng Định hiện tại đang có 2 trường là THPT Trần Ân Chiêm và THPT Yên Định 1. Trong khi đó, vùng Yên lại có đến 3 trường THPT (có một trường là THCS&THPT Thống Nhất), hiện tại các trường đã đáp ứng đủ nhu cầu học tập của các em.
Nếu trường THPT Trần Ân Chiêm bị giải thể, trường THPT Yên Định 1 không thể tiếp nhận thêm các em học sinh. Trong khi, hiện tại trường THPT Trần Ân Chiêm đang có 864 học sinh trên 22 lớp, khối lớp 10 có 312 em, 11 có 263 và khối 12 có 289 em.
Nếu muốn tiếp tục được đi học, các em phải di chuyển với khoảng cách từ 10 đến trên 20km để đến với trường mới. Các em có thể đi về trong ngày, hoặc ở trọ tùy vào điều kiện hoàn cảnh từng em. Điều đó cũng dẫn đến nhiều nguy cơ các em sẽ lơ là việc học tập, dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội.
Một phụ huynh đang có cháu học tại lớp 11B5 cho biết: “Nếu trường giải thể trường, cháu tôi phải đi xa thêm cả chục cây số thì quá vất vả, sẽ ảnh hưởng tới việc học tập. Trong khi, cháu lại là học sinh cuối cấp nên việc học tập cũng như tâm lý rất quan trọng”.
Cũng theo phụ huynh học sinh phản ánh, thực tế số lượng tuyển sinh của các trường THPT trên địa bàn huyện Yên Định rất đông, trong đó trường THPT Trần Ân Chiêm có số lượng đăng ký đông nhất, tỷ lệ được tuyển sinh thấp nhất. Trong năm 2018 - 2019, trường THPT Yên Định 1 thừa 108 học sinh (sau khi lấy thêm 33 em), trường Trần Ân Chiêm thừa 135 học sinh (sau khi lấy thêm 21 em). Tổng 2 trường đã thừa 243 học sinh, trong khi đó các trường trên vùng Yên cũng đã thừa 185 em. Điều đó cho thấy số lượng học sinh hiện tại giữa các trường đang thừa, trong khi đó học sinh khối cấp 2 vẫn tiếp tục tăng. Dẫn đến bất cập tiếp theo là số lượng học sinh dồn lại có thể "quá tải" quay lại với thực trạng giáo dục trước kia chất lượng giảng dạy và học tập sẽ không hiệu quả.
Trao đổi với PV, ông Lê Tiến Độ, Hiệu trưởng trường THPT Trần Ân Chiêm cho biết: "Phụ huynh học sinh phản ứng gay gắt như vậy cũng là có cơ sở. Đó cũng là điều mà chính bản thân tôi cũng như nhà trường đang rất băn khoăn. Theo như kế hoạch sau khi giải thể, 1/3 số học sinh của trường tôi sẽ được gán về trường Yên Định 1 (khoảng 200 học sinh), số còn lại (khoảng 400 học sinh) phải gán lên các trường Yên Định 2 và Yên Định 3".
Ông Độ cũng thừa nhận và lo lắng về những bất cập trong chất lượng giáo dục cũng như thiệt thòi, khó khăn, vất vả của các em học sinh sau khi trường giải thể.
Thuấn Nguyễn