Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Thực hiện Kế hoạch 260/KH-UBND ngày 07/11/2022 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ đến năm 2030, toàn tỉnh tập trung thực hiện tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất; ưu tiên trên một số lĩnh vực như giống, vật tư, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt; bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh.

Đến nay, toàn tỉnh có 201 ha ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà màng để sản xuất rau, quả, hoa, tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Nga Sơn, Nông Cống, Đông Sơn, Hoằng Hóa... đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn đáp ứng các điều kiện đảm bảo ATTP, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác. Nhiều HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, tham gia các chuỗi liên kết sản xuất có hiệu quả như: HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (Đông Sơn), HTX nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc), HTX dịch vụ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh (Thọ Xuân)...

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản lớn như lương thực đạt trên 1,57 triệu tấn, mía nguyên liệu trên 900 nghìn tấn, rau củ quả 1,5 triệu tấn, cây thức ăn chăn nuôi trên 500 nghìn tấn, hoa cây cảnh trên 10 triệu bông... giá trị thu được trên đơn vị diện tích bình quân đạt 120 triệu đồng/ha, nhiều diện tích công nghệ cao đạt từ 300 đến hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Tiêu biểu như các diện tích trồng dưa vàng, khoai tây, ớt xuất khẩu, cải bó xôi, ngô ngọt, xoài keo, chanh leo, dứa chế biến ép nước đóng hộp...

Trong nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh có 170 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi trong nhà màng, nhà lưới đạt năng suất 20-35 tấn/ha/vụ, nuôi 3 - 4 vụ/năm, cho lợi nhuận 300 - 600 triệu đồng/ha/1 vụ.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương và HTX trong tỉnh đã tập trung thảo luận đánh giá kết quả và những hạn chế cần khắc phục trong những năm tới, như: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế về quy mô, đối tượng áp dụng, chiếm tỷ lệ chưa tương xứng trong tổng quy mô sản xuất nông nghiệp, cũng như tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập, tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tư duy sản xuất nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn; bảo quản, chế biến, chế biến sâu còn hạn chế làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm. Chính sách cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thiếu đồng bộ; nhu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế, tín dụng cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Hoài Thu