Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bước vào mùa mưa bão, nhiều đợt mưa, bão lớn xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…

Ngay từ đầu mùa mưa, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống một số bệnh dịch thường gặp trong mùa mưa bão. Nâng cao nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, vệ sinh cá nhân và ăn uống, ăn chín uống chín, khi bị bệnh đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị; Chuẩn bị dụng cụ chứa nước sạch khi có nguy cơ bị bão, lũ, vệ sinh môi trường sống xung quanh nguồn nước sạch sẽ, xử lý nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tuân thủ đúng khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh dịch mùa mưa, bão.

Nạo vét, khơi thông cống rãnh nước thải để khi mưa to không bị tắc, không làm nhiễm bẩn đất và nguồn nước. Chuồng chăn nuôi gia cầm cần được vệ sinh, tẩy uế định kỳ theo hướng dẫn của cơ quan y tế, thú y nhằm bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhất là phòng chống cúm A/H5N1 cho gia cầm và tránh lây nhiễm sang người. Phân gia súc, gia cầm cần được trộn vôi bột, ủ mục trước khi đem sử dụng. Xác động vật chết cần được thu gom, chôn sâu, cách xa nguồn nước, xa khu dân cư. Tuyệt  đối không vứt xuống các dòng sông, dòng suối, các bờ ao, bụi cây... Thu gom và xử lý thường xuyên các loại rác thải sinh hoạt bằng các cách: chôn, đốt, ủ mục làm phân bón... Bảo vệ nguồn nước từ giếng khơi, giếng khoan, bể chứa nước mưa... Kiểm tra các dụng cụ dự trữ nước sạch.

Các đơn vị trong ngành y tế đã phối hợp với địa phương chủ động kiểm tra việc cung cấp nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất, phương tiện, công tác kiểm tra trong và sau lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ông Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn như thực hiện chế độ trực ban phòng, chống lụt bão theo kế hoạch; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư y tế; thành lập các tổ cấp cứu, tổ xử lý dịch, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tốt việc trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa bão gây ra.

Hoài Thu