Những năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh Thanh Hoá đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong kiểm soát chất lượng, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.
Trong đó, Thanh Hóa đặc biệt chú trọng đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát, kiểm định chất lượng nông sản. Công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm được các cấp, các ngành và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt với các giải pháp đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực, bền vững. Qua đó đã nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá, hiện, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 12.700 ha rau, củ, quả an toàn; trong đó, hơn 4.500 ha được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, 330 ha nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, còn có hàng trăm mô hình nuôi trồng thủy sản và 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAHP, 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ,.. Khoảng 80% các hộ chăn nuôi ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Yên Định, Quảng Xương đã đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà thả vườn, con nuôi đặc sản theo hướng an toàn sinh học và hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Xác định sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, với đa dạng các sản phẩm nông sản, thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang phát triển các mô hình trồng rau, củ, quả,... theo tiêu chuẩn VietGAP; các trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh.
Cùng với đó, Thanh Hóa tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, đổi mới giống cây trồng, chọn lọc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phù hợp với thị trường để nhân rộng diện tích. Đối với diện tích sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận, Thanh Hóa tăng cường liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ đến các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, các bếp ăn tập thể, trường học,...
Đồng thời, Thanh Hóa giám sát chất lượng sản phẩm và dán tem sản phẩm đã được kiểm soát theo chuỗi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc in bao bì, tem nhãn để nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia các hội chợ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Hoài Thu