![Thành phố Sầm Sơn rực rỡ sắc màu trong đêm khai mạc Thành phố Sầm Sơn rực rỡ sắc màu trong đêm khai mạc](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/04/23/khai-mac-du-lich-sam-son55-379-1682221529.jpg)
Sự chủ động trong định hướng và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã giúp Thanh Hóa đã ngay lập tức tạo ra sức bật mạnh mẽ. Với chiến lược đầu tư đồng bộ và sự tham gia của các tập đoàn uy tín cùng hàng loạt dự án quy mô, tầm cỡ, Thanh Hóa có nhiều cơ hội lớn để trở thành điểm đến du lịch hiện đại, giàu trải nghiệm, từng bước xóa bỏ điểm yếu du lịch mùa vụ.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, trong 5 ngày nghỉ lễ từ 29/4 đến 3/5, toàn tỉnh ước đón gần 1,2 triệu lượt khách, tăng 33,1% so cùng kỳ 2022; tổng thu du lịch đạt gần 3 nghìn tỷ đồng và trở thành một trong những địa phương thu hút lượng khách đông nhất cả nước.
Các khu, điểm du lịch của tỉnh đều có lượng khách tập trung đông, nổi bật là:
TP. Sầm Sơn đón 850 nghìn lượt khách; thị xã Nghi Sơn gần 80 nghìn lượt khách; Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) đón 77 nghìn lượt khách; TP. Thanh Hóa gần 40 nghìn lượt khách; Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) 18,3 nghìn lượt khách; Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) 11,2 nghìn lượt khách; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) 8,6 nghìn lượt khách; Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) 6,5 nghìn lượt khách; Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh) 3 nghìn lượt khách; khu du lịch cộng đồng Bản Mạ (Thường Xuân) 3,2 nghìn lượt khách…
Trong đó, khách lưu trú đạt khoảng 690 nghìn lượt; công suất sử dụng phòng trong dịp nghỉ lễ đạt khoảng 81,5%.
Đặc biệt là việc đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội vào Thanh Hóa chỉ còn 2 giờ đồng hồ. Từ các điểm giao của tuyến đường, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến các điểm du lịch nổi tiếng tại Thanh Hóa với bán kính khoảng 25 đến 30 km.
Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc trưng; có 102 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng trong cả nước; có núi, rừng, sông, hồ, hang, động hùng vĩ, cảnh quan nên thơ. Cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc, với trên 1.500 di tích được kiểm kê, xếp hạng; trên 300 lễ hội truyền thống; nhiều nét đặc sắc văn hóa, sinh hoạt, sản xuất của người dân tộc thiểu số... là một trong những cơ sở quan trọng để Thanh Hóa tổ chức khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch.
Nhằm tạo bước đột phá cho phát triển du lịch trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hoá chủ trương ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2027, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để du lịch Thanh Hóa cất cánh trong thời gian tới.
Hoài Thu