Huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đang ngày càng phát triển
Huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đang ngày càng phát triển

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM, cấp ủy, chính quyền huyện Hậu Lộc đã tập trung tuyên truyền để cán bộ và Nhân dân nhận thức rõ cơ chế vận hành của chương trình XDNTM là “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”. Các cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện. Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên các xã chủ động khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực XDNTM. Trung ương, tỉnh và huyện tạo điều kiện cho các xã khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả chương trình XDNTM gắn với triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Huyện đã cơ cấu lại ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản và triển khai thực hiện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, xác định các lĩnh vực mũi nhọn, các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và tiềm năng phát triển nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Huyện xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo. Giai đoạn 2011-2023, ngành trồng trọt của huyện có tổng diện tích gieo trồng 13.871,5 ha; tổng sản lượng lương thực bình quân có hạt đạt 60.185 tấn/năm, đạt 100,3% kế hoạch. Đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất cây trồng tập trung quy mô lớn như vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao quy mô ổn định diện tích 3.500 ha đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt; hiện nay huyện có 12 xã với diện tích 70 ha lúa được đánh giá chứng nhận VietGAP; vùng sản xuất rau, củ, quả tập trung chuyên canh: diện tích gieo trồng 1.583,1 ha/năm, gồm cây ớt xuất khẩu, ngô ngọt, đậu tương rau, cải bó xôi, dưa chuột, khoai tây; trong đó có: 2.000m2 nhà lưới trồng rau thủy canh; 6,3 ha nhà màng, nhà lưới trồng dưa Kim Hoàng Hậu, dưa lưới và 36,1 ha sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh được cấp chứng nhận VietGAP và mã QR để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Giá trị thu nhập bình quân đạt trên 180 triệu đồng/ha/vụ thu hoạch; cây rau màu các loại như cải bó xôi, đậu tương rau, cây dưa các loại giá trị thu nhập 140 - 150 triệu đồng/ha/vụ. Riêng mô hình nhà lưới trồng rau an toàn, rau thủy canh theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phú Lộc, Hoa Lộc, giá trị thu nhập đạt trên 2,4 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt trên 700 triệu đồng/ha/năm; mô hình cây dưa lưới, dưa Kim Hoàng Hậu giá trị thu nhập trên 700 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ha/năm. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng bình quân 22,06 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng giá trị bình quân giai đoạn 2011-2023 đạt 4,98%/năm.

Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của huyện. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng, một số cây trồng, vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả cao như lúa năng suất cao, rau an toàn, gia cầm, lợn thịt... Huyện duy trì và phát triển trên 292 trang trại chăn nuôi chuyên biệt, trong đó có 111 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Toàn huyện có 94 trang trại chăn nuôi gia cầm và lợn theo hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhìn chung, các mô hình trang trại sau khi chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 10 lần so với trồng lúa.

Với quan điểm tạo sản phẩm có chất lượng cao, giá trị hàng hóa lớn, trong những năm gần đây các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện đã chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vừa đến lớn tạo chuỗi giá trị cho hiệu quả kinh tế cao thông qua việc du nhập những giống gia súc (siêu thịt), gia cầm (siêu thịt, siêu trứng) có chất lượng cao, hiệu quả kinh tế thay thế những giống địa phương có năng suất thấp. Điều này minh chứng cơ cấu nông nghiệp có sự dịch chuyển mạnh làm tăng sản lượng, giá trị, chất lượng sản phẩm chăn nuôi do áp dụng khoa học kỹ thuật.

Ngành thủy sản của huyện được quan tâm triển khai thực hiện phát triển cả về khai thác và nuôi trồng, chế biến tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; phát triển ngành thủy sản theo hướng giảm dần cường lực khai thác ven bờ, nâng cao năng lực khai thác vùng khơi và tăng sản lượng, giá trị nuôi trồng thủy sản. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trong năm 2023 đạt 48.577 tấn, vượt kế hoạch và tăng 1,4% so với cùng kỳ.

Huyện đã tập trung thực hiện đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp, đề án phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, tập trung các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp, nhằm phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện. Đến nay, toàn huyện có 400 doanh nghiệp đang hoạt động, 3 làng nghề, 7 nhà máy may lớn, tăng 6 nhà máy may so với năm 2011...

Đến hết tháng 11/2023, huyện Hậu Lộc đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM; toàn huyện có 21/21 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Phú Lộc, Hoa Lộc, Hưng Lộc; 111/132 thôn đạt chuẩn NTM; có 14 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,34%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 85,86%. Toàn huyện có 17 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao, 15 sản phẩm 3 sao. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét. Thu nhập của người dân toàn huyện ước đạt 59,27 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4,5 lần so với năm 2011. Nhờ gắn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân gắn với XDNTM đã góp phần thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện, thu hút từ doanh nghiệp, thì nguồn vốn đối ứng của địa phương đóng vai trò chủ đạo. Tổng số vốn huy động XDNTM từ khi triển khai đến nay đạt 12.656.119 triệu đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 661.900 triệu đồng, chiếm 5,23%, ngân sách cấp tỉnh 1.025.202 triệu đồng, chiếm 8,1%, ngân sách huyện 2.238.063 triệu đồng, chiếm 17,69%, ngân sách xã 1.604.151 triệu đồng, chiếm 12,67%. Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án là 128.091 triệu đồng, chiếm 1,01%; vốn Nhân dân đóng góp là 6.775.666 triệu đồng, chiếm 53,54%, còn lại là của doanh nghiệp, HTX đầu tư, vốn vay tín dụng.

Từ nguồn vốn huy động, huyện, các xã, Nhân dân đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, như giao thông, hệ thống điện, thủy lợi, nhà văn hóa, nhà ở...; đầu tư phát triển sản xuất. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trên địa bàn phát triển nhanh, tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của dân cư nông thôn.

Trong đó, hệ thống giao thông trên địa bàn được huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng với mục tiêu từng bước phát triển đồng bộ, hợp lý, có tính kết nối toàn diện với tuyến quốc lộ, đường tỉnh và giữa các trung tâm hành chính huyện, xã, thôn, các cụm kinh tế trên địa bàn... Các tuyến đường huyện đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường được xây dựng kiên cố, phù hợp với đường quy hoạch; hệ thống biển báo, cọc tiêu được lắp đặt trên hầu hết các tuyến giao thông góp phần bảo đảm an toàn, thuận tiện cho các phương tiện lưu thông.

Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn luôn được huyện quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới theo đúng quy hoạch, kế hoạch, thiết kế được duyệt, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã đầu tư nhựa hóa và bê tông hóa 149,3 km đường trục xã, liên xã, đạt chuẩn 100%. Các tuyến đường, chiều rộng nền đường 6,5m trở lên, chiều rộng mặt đường trên 3,5m, bảo đảm đạt tiêu chuẩn đường cấp V, cấp VI đồng bằng, phù hợp với quy hoạch được duyệt. Đường trục thôn và liên thôn với chiều dài 134,68 km, đã được bê tông hóa 100%, trong đó mặt đường đạt chuẩn là 131,51 km. Đường trục chính nội đồng với tổng chiều dài 277,49 km; đã cứng hóa 100%. Các tuyến trục chính nội đồng trong huyện đạt quy mô nền đường tối thiểu 4m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3m đảm bảo xe cơ giới vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Các tuyến đường trục thôn liên thôn trong huyện đảm bảo đạt quy mô chiều rộng nền đường trên 4m, chiều rộng mặt đường trên 3m, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện, thoát nước tốt, không gây ô nhiễm môi trường, không lầy lội vào mùa mưa, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho vùng quê NTM...

Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn được nâng cấp, sửa chữa, nạo vét thường xuyên đảm bảo dẫn nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng, chủ động cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển. Đến năm 2023 tỷ lệ tưới toàn(?????) là 13.358/13.358 ha. Hệ thống điện được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, bảo đảm cấp điện an toàn, đạt tiêu chuẩn.

Bệnh viện Đa khoa huyện được đầu tư cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ các trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu của bệnh viện hạng II và nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Trung tâm Y tế huyện tổ chức thực hiện tốt các hoạt động y tế dự phòng, dân số, kiểm soát bệnh truyền nhiễm... Tất cả các xã, thị trấn đã được UBND tỉnh công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện được xây dựng bảo đảm diện tích theo quy định. Nhà tập luyện và thi đấu thể thao, trung tâm hội nghị huyện, trung tâm văn hóa - thể thao huyện, sân vận động huyện... được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, hiện đại. Đến hết năm 2023, toàn huyện có 79/82 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên. 100% xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa - thể thao đảm bảo theo quy định.

Phát huy “quả ngọt” sau hơn 12 năm XDNTM, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hậu Lộc sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm với tất cả tinh thần, nhiệt huyết, trách nhiệm cao nhất theo phương châm “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, “Trung ương mở đường, địa phương thúc đẩy, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia”, đưa Hậu Lộc sớm trở thành huyện khá của tỉnh vào năm 2025. Theo đó, huyện tập trung dồn lực để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai các nghị quyết chuyên đề, nhằm cụ thể hóa các chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với XDNTM theo Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Trên cơ sở quy hoạch, từng xã, thị trấn tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu hợp lý ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương gắn với thị trường tiêu thụ. Rà soát, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia súc, gia cầm, trong đó ưu tiên phát triển gia cầm. Chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi tập trung, nuôi công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho Nhân dân.

Trịnh Cao Sơn

Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc