Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới chỉ đang triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ du nhập, chọn lọc, nuôi dưỡng, tuyển chọn cá chép bố mẹ, cá rô phi bố mẹ theo Quyết định số 5637/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh.

Cụ thể, từ năm 2016-2020, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhập, ương dưỡng 8 tấn giống cá rô phi bố mẹ, 7,2 tấn giống cá chép bố mẹ để nuôi sinh sản và sản xuất trên 20 triệu giống cá rô phi vằn đơn tính, hơn 200 triệu giống cá chép lai cung cấp cho người nuôi trong tỉnh với trị giá 2,752 tỷ đồng. Từ nguồn giống sạch bệnh, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, năng suất và hiệu quả nuôi tăng lên 20 - 30%, chính sách đã tác động đến việc phát triển nuôi trồng thủy sản, đáp ứng nhu cầu về con giống chất lượng cho các hộ nuôi.

Qua tìm hiểu ở các vùng tập trung trên địa bàn tỉnh này, các chủ đồng nuôi được địa phương tạo điều kiện cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt nước để yên tâm đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản làm cơ sở pháp lý để vay vốn ngân hàng. Tuy thế, chưa có chủ trang trại nào được hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào, như: đường giao thông, đường điện, hệ thống cấp nước đến chân tường rào cho khu trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn, theo Quyết định số 5643/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn chậm; chưa có các bộ tiêu chí định mức kinh tế kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở để ngân hàng thẩm định cho các chủ trang trại vay vốn theo Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ý kiến của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay cho biết, các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản rất khó khăn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để bảo đảm tiêu chí, trang trại nuôi trồng thủy sản phải có giá trị sản xuất bình quân đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích sản xuất từ 1 ha trở lên. Trong khi các trang trại nuôi trồng thủy sản chủ yếu thuê lại đất phần trăm của xã trong thời hạn 5 năm, nên chưa thật sự yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất thâm canh.

Do đó, để thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cần thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về đất đai cho các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư sản xuất. Tạo điều kiện để các trang trại nuôi trồng thủy sản được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng.

LN