Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã thi hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối Lê Chí Cường (SN 1969), Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa (nguyên Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa) về tội "Tham ô tài sản".
Cùng tội danh trên, Đỗ Thị Dung (SN 1985), nguyên Kế toán trưởng Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, hiện là Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính tổng hợp, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2017 đến năm 2020, trong quá trình thực hiện Đề tài khoa học "Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm theo hướng Vietgap gắn với giáo dục dạy nghề tại Cơ sở cai nghiện số 1 Thanh Hóa" và "Dự án xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung từ đá mạt, cát và nguyên liệu sẵn có trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa" của Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, Lê Chí Cường với vai trò là Giám đốc đã chỉ đạo Đỗ Thị Dung là kế toán trưởng (kế toán dự án) lập khống hồ sơ, chứng từ chi công lao động thuê ngoài với số tiền 907.200.000 đồng để đưa cho Lê Chí Cường sử dụng vào mục đích cá nhân.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, như Thương hiệu và Công luận đã đưa tin, 2 dự án chuyển giao khoa học và công nghệ với tổng mức đầu tư gần 17 tỷ đồng, do Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1, thuộc Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tỉnh Thanh Hóa là cơ quan chủ trì, sau nhiều năm được hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ và tỉnh, thì 2 dự án trên vẫn đang “đắp chiếu” và chưa thể đưa vào hoạt động, gây lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, ngày 13/10/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1747/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025”.
Tại quyết định trên, phân cấp quản lý các dự án của Chương trình theo nguyên tắc: “Các dự án trọng điểm có quy mô lớn, có tính chất tác động liên vùng do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý; Các dự án có quy mô nhỏ, không có tính chất tác động liên vùng thì ủy quyền cho UBND các tỉnh, thành phố quản lý”.
Ngày 26/10/2015 UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 12900/UBND-NN về việc giao triển khai thực hiện Quyết định số 1747/QĐ-TTg gửi Sở Khoa học và Công nghệ. Văn bản nêu rõ, giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 1747/QĐ-TTg.
Đến ngày 07/07/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2413/QĐ- UBND về việc đề nghị phê duyệt kinh phí đối ứng thực hiện các dự án khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi do Trung ương quản lý, bắt đầu thực hiện từ năm 2017.
Căn cứ vào Công văn số 9606/UBND-NN ngày 26/08/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi cấp Trung ương năm 2017.
Theo đề nghị vào tờ trình số 619/TTr-SKHCN ngày 27/06/2017 của Sở Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị phê duyệt kinh phí đối ứng thực hiện dự án Khoa học và Công nghệ thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Trung ương quản lý, dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2017.
Theo đó, dự án thứ nhất: “Xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung từ đá mạt, cát và nguyên liệu sẵn có khác tại tỉnh Thanh Hóa” cơ quan chủ trì dự án: Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, với tổng kinh phí thực hiện dự án là 12,500 tỷ đồng. Trong đó: Kinh phí ngân sách Khoa học trung ương là 4,990,0 tỷ đồng; kinh phí ngân sách khoa học của tỉnh 1,181,997 tỷ đồng; kinh phí khác hơn 6,328,002 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ tháng 07/2017 đến tháng 06/2020.
Dự án thứ hai: “Xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm theo hướng VietGAP gắn với giáo dục dạy nghề cho đối tượng cai nghiện” với tổng kinh phí đầu tư thực hiện dự án là hơn 04 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2019.
Về tính hiệu quả đối với dự án khoa học và công nghệ: “Xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung từ đá mạt, cát và nguyên liệu sẵn có khác tại tỉnh Thanh Hóa” có kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh để ứng dụng hiệu quả các dây chuyền, thiết bị công nghệ đã đầu tư từ dự án, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động ở địa phương và góp phần xóa bỏ các lò gạch thủ công truyền thống gây ô nhiễm môi trường.
Còn dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm theo hướng VietGAP gắn với giáo dục dạy nghề tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa”. Nhằm duy trì và nhân rộng các mô hình kết quả của dự án, phục vụ tốt sản xuất, kinh doanh và đào tạo nghề cho các học viên của đơn vị.
Thế nhưng, sau khi hội đồng nghiệm thu khoa học cấp bộ và cấp tỉnh đánh giá, nghiệm thu, thay vì tính hiệu quả cao được đánh giá ban đầu thì cho đến nay đã nhiều năm trôi qua, hai dự án nói trên vẫn đang “đắp chiếu” không thể đi vào hoạt động, dẫn đến cơ sở vật chất, trang thiết bị trong tình trạng phơi sương, phơi nắng. Đến nay các trang thiết bị đã xuống cấp nghiêm trọng, mô hình bỏ hoang nhiều năm để cỏ mọc tốt um tùm, mọc rêu, nhìn nham nhở, và điều tất yếu, lợi ích nhìn thấy thực tế từ hai dự án là chưa có.
Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu rằng hai dự án chuyển giao khoa học và công nghệ có đảm bảo về chất lượng, và đến bao giờ các dự án nói trên sẽ đi vào hoạt động?
Để hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã có buổi làm việc với ông Lê Đăng Thanh, Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 1 Thanh Hóa, được ông Thanh cho biết:
"Hiện tại, tôi mới về đây công tác chưa được một năm, nhưng theo tôi, các dự án Xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung từ đá mạt, cát và nguyên liệu sẵn có khác tại tỉnh Thanh Hóa và Xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm theo hướng VietGAP gắn với giáo dục dạy nghề cho đối tượng cai nghiện là không thiết thực, thiếu tính hiệu quả”.
“Thực tế từ khi tôi về đây, các dự án hoạt động như thế nào tôi không biết, vì cho đến nay tôi cũng chưa được nhận bàn giao, hiện tại ông Lê Chí Cường, nguyên Giám đốc cơ sở, hiện là Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội vẫn đang là trưởng các Dự án nói trên. Thật sự tôi cũng rất trăn trở cho hai dự án này, và đến thời điểm hiện tại không rõ chất lượng của dự án này nó ra làm sao? Cũng như chất lượng gói thiết bị đầu tư cho dự án còn bao nhiêu ?. Mặc dù trước đó tổng mức đầu tư cho dự án này là khoảng 17 tỷ đồng. Đến nay, dự án xây dựng dây chuyền gạch không nung thì các thiết bị không hoạt động, do không được bảo trì, bảo dưỡng nên bây giờ chúng tôi không dám đóng điện để khởi động máy móc. Ngoài ra, chúng tôi không được đào tạo đúng chuyên môn nên bây giờ có khởi động máy cũng rất nguy hiểm, nếu xảy ra vấn đề gì thì khó nói lắm, bởi máy móc, thiết bị kỹ thuật đã để lâu, bị hao mòn, chất lượng công trình dự án đã hư hỏng, thiết bị xuống cấp, không đảm bảo là đúng tực tế”, ông Thanh cho biết thêm.
Như vậy, hai dự án chuyển giao khoa học và công nghệ do Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 chủ trì được triển khai từ cuối năm 2017 đến 2020 kết thúc. Sau khi được Hội đồng nghiệm thu cấp bộ, cấp tỉnh đánh giá, xếp loại thì cho đến nay đã nhiều năm hai dự án vẫn đang “đắp chiếu” không đi vào hoạt động, đang gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước, dẫn đến cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp trầm trọng.
Lê Nam