“Mẹ Phủ Na- Cha Độc Cước”
Du khách đi lễ hội đầu năm ở Thanh Hoá thường quan tâm đến ba nơi “Cửa Đạt- Phủ Na- Sầm Sơn”, hay còn gọi là lên rừng, xuống biển. Theo quan niệm của người dân, đi đến đó là ý nguyện đã đến được với Cha, với Mẹ, tức “mẹ Phủ Na, cha Độc Cước”.
Đền Độc Cước ngự trên hòn Cổ Giải (cổ con rùa biển còn gọi chữ là hòn Miết cảnh) thuộc dải núi Trường Lệ- thành phố Sầm Sơn- tỉnh Thanh Hóa, đền Độc Cước lấy chính tên gọi vị Thần được gọi ở đây làm tên gọi của ngôi đền. Thần Độc Cước là vị thần bán thân (một chân) với tên Thánh “Độc Cước Chân Nhân” hay “Sơn Tiêu Độc Cước”. Các triều đại Lê, Nguyễn đã sắc phong cho Thần là “Thượng Thượng Đẳng Thần” và được xếp trong nhóm các vị thần bất tử của Việt Nam. Đền được xây dựng vào thời nhà Trần, sang đến thời nhà Lê được trùng tu lại nhiều lần. Đường lên đền là 45 bậc bằng đá, tượng thần Độc Cước bằng gỗ chỉ có một tay, một chân, phía sau đền có Môn Lâu dựng năm 1863 bằng gỗ.
Trên đất nước ta, thần Độc Cước được thờ ở đền chùa suốt từ Quảng Ninh đến Nghệ Tĩnh, nhất là trên Hải đảo và các vùng ven biển, ven sông, hoặc trên các trục đường quốc lộ giao thông chính ở Đồng bằng Bắc Bộ. Theo thống kê sơ bộ thì có khoảng trên 300 điểm thờ, nhưng đền Độc Cước ở Sầm Sơn chính là nơi xuất phát tín ngưỡng đầu tiên, và cũng là điểm thờ Độc Cước đầu tiên trong cả nước.
Theo quan niệm dân gian, thần Độc Cước là vị thần Thành hoàng đem sức mạnh và phép màu để bảo vệ cho nhân dân Sầm Sơn luôn được thuận buồm xuôi gió, quốc thái dân an. Nằm trong các hoạt động lễ tiết hằng năm như lễ mở cửa đền, cơm mới, lễ tạ, lễ sắp ấn, giao thừa... Đặc biệt là lễ cầu phúc được diễn ra vào ngày 16.2 âm lịch hàng năm. Đồng thời là lễ hội mở đầu cho các hoạt động du lịch của TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Với những giá trị linh thiêng, ý nghĩa sâu sắc của đền Độc Cước. Ngày 27/4/1962 đền Độc Cước đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Ngày 31/12/2019, đền Độc Cước thuộc khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Trường Lệ- TP Sầm Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg về việc xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Sẵn sàng đón du khách trở lại
Dịch Covid- 19 là cản trở của du lịch nói chung, nhất là du lịch biển Sầm Sơn nói riêng. Hai năm qua, du lịch Sầm Sơn như chìm sâu vào “giấc ngủ Đông”, nhiều gia đình, doanh nghiệp oằn mình chống đỡ, thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ đồng.
Để phục hồi du lịch Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá đã tạo điều kiện cũng như ưu tiên nhất định trong việc tiêm Vacxin Covid-19 cho người dân trên toàn địa bàn TP Sầm Sơn.
Đến nay, theo thống kê của CDC tỉnh Thanh Hoá, TP Sầm Sơn đã được phân bổ gần 200.000 liều Vacxin các loại, đạt tỷ lệ tiêm đủ mũi đến 98% , đây là tấm vé thông hành để khởi động cho du lịch Sầm Sơn trong năm 2022.
Chia sẻ với Thương hiệu và Công luận, ông Bùi Quốc Đạt- Phó chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết: “Để có thể đón du khách trong dịp Tết Nguyên đán cũng như khách đến du lịch vào dịp hè sắp tới, TP Sầm Sơn đang chạy đua cùng thời gian, các lực lượng chức năng vẫn làm việc ngày đêm, không quản ngày nghỉ, lễ Tết để nhanh chóng phát hiện và cách ly F0 ra khỏi cộng đồng. Mặc dù Sầm Sơn vẫn đang còn các ca nhiễm cộng đồng, nhưng Thành Phố sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch Covid- 19 theo hướng chủ động, sáng tạo, linh hoạt để quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, sẵn sàng đón du khách trở lại trong năm 2022”.
Nếu như trước đại dịch, du khách chỉ cần “ Xách balo lên và đi” thì hiện nay, để đi du Xuân, một điều kiên quyết đó là các thủ tục khai báo y tế và thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như những người xung quanh.
Những ngày đầu Xuân Nhâm Dần, lượng người đổ về Sầm Sơn tăng đột biến, để không làm cản trở hoạt động du Xuân của du khách cũng như đảm bảo công tác phòng chống dịch, ngay dưới chân đền Độc Cước, du khách được hướng dẫn quét mã QR và khai báo y tế, hướng dẫn người dân lên đền dâng hương từng tốp nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Nga, trưởng ban quản lý di tích cho biết: “Bên cạnh việc khai báo y tế, chúng tôi luôn nhắc nhở du khách phải đeo khẩu trang và khuyến khích không nán lại đền quá lâu khi đã làm lễ xong. Trong những ngày tới, du khách có thể đến đông hơn, áp lực công việc sẽ lớn hơn nhưng chúng tôi đã sẵn sàng để Sầm Sơn luôn là điểm đến lý tưởng của du khách thập phương không chỉ mỗi hè”.
Lê Nam- Gia Hân