Theo đó, trong tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, việc đảm bảo lương thực, thực phẩm trong phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải được thực hiện theo phương châm “tại chỗ”, “tự lực, tự cường, tự cung, tự cấp”, phát huy truyền thống “lá lành đùm là rách”; trong đó, gia đình, thôn, bản, xóm phải tự đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho gia đình, thôn, bản, xóm mình; đồng thời, điều phối lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu từ gia đình, thôn, bản, xóm thừa sang gia đình, thôn, bản, xóm thiếu.
Phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong trường hợp toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Nhu cầu và khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trạng thái bình thường:
Trong trạng thái bình thường, khả năng sản xuất, cung ứng các hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân, lượng hàng hóa phải nhập về từ ngoài tỉnh là không đáng kể.
Nhu cầu và khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh:
Dự kiến nhu cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân toàn tỉnh dự kiến tăng gấp 1,5 đến 2 lần so với tháng bình thường (do tâm lý lo sợ dẫn đến nhu cầu dự trữ của người dân tăng cao). Dự kiến khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu: Dự báo, nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, chỉ đạt khoảng 75% so với tháng bình thường.
Các hệ thống cung ứng, lưu trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh:
Hệ thống các cơ sở quy mô lớn thực hiện hoạt động chế biến, cung cấp thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng bán lẻ, chợ dân sinh: Có 02 trung tâm thương mại, 24 siêu thị, 388 chợ dân sinh, khoảng 60.000 cửa hàng tạp hóa (trong đó có hơn 400 cửa hàng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ATTP).
Trong trường hợp cần thiết, có thể bổ sung thêm các chợ tạm, điểm bán hàng tạm thời, điểm bán hàng lưu động, các điểm trung chuyển hàng hóa; huy động thêm các đối tượng khác tham gia bán hàng bình ổn thị trường.
Phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu
Tăng nguồn cung nội tỉnh:
Trong lĩnh vực trồng trọt: Duy trì sản xuất, tăng lứa, gối vụ, tăng hệ số quay vòng đất; mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ; có kế hoạch trồng và thu hoạch sớm rau vụ đông; tăng diện tích gieo trồng các loại rau màu, khoai tây, ngô, đậu tương...
Trong lĩnh vực chăn nuôi: Duy trì, phát triển, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các đàn gia súc, gia cầm, các gia trại, trang trại thịt quy mô lớn tại các địa phương trong tỉnh; định hướng phát triển theo vùng, xã trọng điểm; tập trung chăn nuôi theo hướng VIETGAP, hữu cơ, sinh học; Xây dựng phương án duy trì và đảm bảo 5 hoạt động an toàn, liên tục cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ tập trung. Kiểm soát tốt hoạt động buôn bán động vật tại các chợ đầu mối, có phương án dự phòng trong các trường hợp các chợ đầu mối động vật, cơ sở giết mổ lớn bị phong tỏa, cách ly
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Tăng năng suất nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản; tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nuôi trồng một số loài thủy, hải sản ngắn ngày, có năng suất cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung phòng, chống dịch bệnh để tăng năng suất gắn với giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (hạn hán, bão lụt, rét đậm, rét hại…). Duy trì và thực hiện kiểm soát tốt hoạt động buôn bán tại các chợ đầu mối, các điểm thu mua thủy, hải sản
Trong lĩnh vực bảo quản, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản: Tiếp tục duy trì, phát triển ổn định và tăng sản lượng của các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; tăng cường công suất các kho lạnh, kho dự trữ, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hóa.
Trong lĩnh vực sản xuất vật tư y tế phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch của Nhân dân (khẩu trang, nước sát khuẩn…): Định hướng, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế đẩy mạnh sản xuất, có kế hoạch sẵn sàng nâng cao sản lượng, gắn với đảm bảo chất lượng theo quy định, đáp ứng tối đa nhu cầu của Nhân dân trong tỉnh. Cung cấp danh sách các doanh nghiệp sản xuất, đầu mối kinh doanh, phân phối thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh... để các huyện, thị xã, thành phố chủ động liên hệ trong trường hợp cần thiết.
Trong lĩnh vực sản xuất sản xuất các hàng hóa thiết yếu khác: Định hướng, yêu cầu các làng nghề, các HTX, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất các hàng hóa thiết yếu khác chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu đầu vào để duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu Nhân dân phòng, chống dịch.
Duy trì và bổ sung nguồn cung từ ngoài tỉnh: Thường xuyên cập nhật các địa chỉ sản xuất, sơ chế, chế biến hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước qua Sở Công Thương các địa phương để cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, các thương nhân là đầu mối phân phối trên địa bàn tỉnh hoặc cung cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn kết nối, khai thác nguồn hàng trong trường hợp cần thiết; Thực hiện rà soát, cập nhật danh sách các đầu mối cung cấp hàng hóa từ địa phương khác tại các kênh tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; Khuyến khích các doanh nghiệp, thương nhân phân phối trong tỉnh thực hiện việc ký cam kết với các đối tác ngoài tỉnh để nhập hàng hóa thiết yếu về phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh.
Phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu
Công tác hỗ trợ, đảm bảo hoạt động vận chuyển thông suốt:
Hỗ trợ tối đa cho các hệ thống phân phối thực hiện hoạt động vận chuyển hàng hóa trong và ngoài tỉnh, đảm bảo thông suốt, liên tục. Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký Giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hóa theo quy định, tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa đi, đến và quá cảnh qua địa bàn tỉnh. Tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện việc hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị tham gia công tác vận chuyển hàng hóa theo quy định (nếu có).
Công tác quản lý, điều hành hoạt động vận chuyển:
Trong tình huống thông thường: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải chủ động đăng nhập vào phần mềm cấp thẻ nhận diện phương tiện có mã QRCode của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để được cấp thẻ nhận diện có mã QRCode cho phương tiện của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa theo quy định.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa… (không phải là đơn vị kinh doanh vận tải) chủ động thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng. - Đơn vị chủ trì thực hiện: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải. - Đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện: Sở Giao thông vận tải, các tập thể, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối.
Trong tình huống khẩn cấp (cần huy động xe vận chuyển hàng hóa đến các địa điểm phân phối đang bị thiếu hàng, các địa điểm bán hàng lưu động, các địa điểm bị phong tỏa, cách ly…): Huy động toàn bộ lực lượng các phương tiện tham gia hỗ trợ vận chuyển hàng hóa phục vụ Nhân dân khi cần thiết, bao gồm: Phương tiện vận chuyển của Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Thanh Hóa; xe của các đơn vị vận tải trên địa bàn, các phương tiện vận chuyển (xe ô tô, xe máy) của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện được phép lưu thông, tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất, cung ứng đến điểm tiêu thụ
Đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong vận chuyển: Đảm bảo đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch cho con người, phương tiện tham gia vận chuyển và hàng hóa theo quy định.
Phương án điều phối hàng hóa thiết yếu:
Điều phối hàng hóa trong tỉnh:
Trường hợp thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán do nhu cầu mua hàng tăng cao: Chỉ đạo các doanh nghiệp bổ sung hàng hóa, thực hiện điều tiết trong hệ thống (trong trường hợp thiếu hàng cục bộ tại các điểm bán của hệ thống phân phối); khẩn trương triển khai các điểm bán hàng lưu động (trong trường hợp thiếu hàng cục bộ tại các huyện, thị xã, thành phố); bố trí phương tiện, đảm bảo vận chuyển hàng hoá nhanh nhất đến các điểm thiếu hàng (ưu tiên huy động các xe chở hàng của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối; trường hợp cần thiết thì sử dụng phương tiện theo phương án huy động của Sở Giao thông vận tải); hạn chế tối đa việc ách tắc lưu thông hàng hóa.
Trường hợp một số điểm bán hàng (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…) ngừng hoạt động do có liên quan đến yếu tố dịch tễ (có ca F0): Triển khai phương án di chuyển các hộ tiểu thương, hộ kinh doanh tại các điểm bán hàng bị đóng cửa sang các địa điểm bán hàng tạm thời (theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Công văn số 4728/BCT-TTTN ngày 05/8/2021 và các bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền); triển khai các điểm bán hàng lưu động (nếu cần); chỉ đạo các hệ thống phân phối tăng thời gian mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng tụ tập mua sắm đông vào một thời điểm.
Trường hợp nhiều điểm bán hàng (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…) ngừng kinh doanh cùng một thời điểm, hàng hóa nhiều nơi bị thiếu hụt: Triển khai phương án di chuyển các hộ tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ, các điểm bán hàng bị đóng cửa sang các điểm chợ tạm thời theo hướng dẫn của Bộ Công Thương; triển khai ngay các điểm bán hàng lưu động; Vận động hệ thống siêu thị, cửa hàng không kinh doanh lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm chuyển đổi sang kinh doanh lương thực, thực phẩm và các mặt hàng cơ bản phục vụ Nhân dân; Triển khai ngay các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm của doanh nghiệp, sẵn sàng mở cửa phục vụ người dân 24/24h; Thực hiện việc phát thẻ mua hàng tại các hệ thống phân phối (mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm...) cho từng hộ gia đình trên địa bàn…; Có phương án thành lập các Tổ tiếp nhận, điều phối nhu yếu phẩm của cấp xã và cấp huyện để thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho Nhân dân; chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ, vận chuyển đưa hàng đến phục vụ Nhân dân một cách linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch; Thành lập các tổ, nhóm đi chợ hộ tại từng thôn, xóm, bản, khu phố trong trường hợp cần thiết để cung cấp lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân.
Điều phối hàng hóa từ nguồn cung ngoài tỉnh: Đẩy mạnh triển khai Chương trình liên kết vùng, kết nối cung, cầu, tiêu thụ hàng hóa giữa Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ kết nối các cơ sở sản xuất với các doanh nghiệp phân phối để thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm. Chỉ đạo các đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thu mua hàng hóa thiết yếu từ ngoài tỉnh, đưa về các kho dự trữ, các điểm bán hàng trong tỉnh; huy động tổng lực hàng hóa của các đơn vị, doanh nghiệp, thương nhân phân phối đóng trên địa bàn và doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố đã cam kết cung cấp hàng hóa cho Thanh Hóa. Tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ điều phối hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác về địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong trường hợp cần thiết.
Phương án cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong tình huống một hoặc một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Giao Sở Công Thương chủ trì, phối phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa bàn, khu vực bị phong tỏa, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Phương án cụ thể đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân khu vực bị ảnh hưởng.
Nội dung Phương án đảm bảo theo nội dung chi tiết tại Kế hoạch cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong tình huống thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vụ toàn tỉnh.
Phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong tình huống một hoặc một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn một huyện, thị xã, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT -TTg của Thủ tướng Chính phủ
Giao UBND huyện, thị xã, thành phố có xã, phường, thị trấn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ chủ trì, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, chủ động báo cáo Sở Công Thương để xây dựng Phương án cụ thể đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân khu vực bị ảnh hưởng.
Nội dung Phương án đảm bảo theo nội dung chi tiết tại Kế hoạch cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong tình huống thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vụ toàn tỉnh.
Hoài Thu