Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đạt kết quả bước đầu.
Theo đó, lực lượng thanh tra giao thông đã phối hợp với các lực lượng chức năng Công an tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến”; kiểm tra đối với các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm, tự phát trên địa bàn.
Kết quả từ ngày 15/12/2022 đến ngày 15/8/2023, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với 105 trường hợp xe khách, nộp Kho bạc Nhà nước số tiền 476,8 triệu đồng; tước quyền sử dụng 19 giấy phép lái xe và 13 phù hiệu xe khách.
Trong đó, tại khu vực thành phố Thanh Hoá và huyện Triệu Sơn, Tổ kiểm tra liên ngành, do Thanh tra Sở GTVT chủ trì, đã tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với 8 đơn vị hoạt động vận tải hành khách có hoạt động xe Limousine với tổng số tiền 72,4 triệu đồng.
Qua kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, còn tồn tại một số nội dung.
Cụ thể:
Một số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải có trụ sở chính, hoặc trụ sở chi nhánh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố hoạt động vận chuyển khách tương tự như xe tuyến cố định hình thành nên “xe dù, bến cóc”; sử dụng số điện thoại cá nhân, số điện thoại cố định làm số tổng đài;
Ứng dụng app điện tử, trang điện tử, mạng xã hội để quảng cáo, bán vé, xác nhận đặt chỗ, đón trả khách theo yêu cầu; đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện; ấn định hành trình, lịch trình cố định (chủ yếu trên tuyến Thanh Hoá - Hà Nội và ngược lại) để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau;
Xuất hiện doanh nghiệp sử dụng xe cá nhân dưới 9 chỗ (không xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, sử dụng xe biển kiểm soát màu trắng);
Doanh nghiệp, hợp tác xã có địa chỉ tại các tỉnh, thành phố khác, được sở GTVT các tỉnh, thành phố cấp giấy phép kinh doanh vận tải, sau đó thành lập chi nhánh, văn phòng đại điện trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Thanh Hóa (chưa được Sở GTVT Thanh Hoá cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu) tổ chức đưa, đón vận chuyển hành khách theo hình thức “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến”...
Hiện nay, việc xác định phương tiện có hành trình điểm đầu, điểm cuối trùng lặp của tổng số chuyến xe trong thời gian 1 tháng làm cơ sở để xử lý các trường hợp vi phạm, gặp rất nhiều khó khăn, do chưa có phần mềm tự động để lọc dữ liệu.
Có thể nêu ra một số nguyên nhân:
Do Cục Đường bộ Việt Nam chưa nâng cấp Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên phương tiện, để trích xuất dữ liệu điểm đầu, điểm cuối trùng lặp của tổng số chuyến xe trong thời gian 1 tháng, làm cơ sở xử lý các trường hợp phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch vi phạm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ;
chưa xây dựng, đưa vào sử dụng phần mềm tiếp nhận thông tin tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định tại Điều 7, Điều 8 - Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ làm cơ sở để sở GTVT các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tra cứu thông tin phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch.
Việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép trên địa bàn tỉnh chưa được chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng của địa phương quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, xử lý quyết liệt, đồng bộ.
Một bộ phận không nhỏ hành khách có tâm lý ngại chờ đợi, muốn được đưa đón tận nơi… nên không vào bến xe, các điểm đón trả khách theo quy định để mua vé khi di chuyển nên thường xuyên sử dụng dịch vụ vận chuyển khách của các doanh nghiệp hợp đồng, du lịch; dịch vụ vận chuyển của loại hình “xe ghép, xe tiện chuyến”;
Sự phối hợp giữa các sở GTVT đối lưu (nơi đặt văn phòng, chi nhánh) để kiểm tra, xử lý việc xe hợp đồng đón trả khách lặp đi, lặp lại tại văn phòng chưa được đồng bộ, quyết liệt;
Chưa có quy định, chế tài, hướng dẫn để xử lý đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng số điện thoại cá nhân, số điện thoại cố định làm tổng đài; app điện tử, mạng xã hội để quảng cáo bán vé, xác nhận đặt chỗ, đón trả khách…
Trong thời gian tới, Sở GTVT Thanh Hoá triển khai công tác:
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” và vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ hoạt động trên địa bàn tỉnh;
Phối hợp với lực lượng cảnh sát - Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức rà soát, kiểm tra về hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; việc quản lý lái xe, điều kiện của người điều khiển phương tiện của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng công ten nơ;
Kiểm tra tại các điểm xuất phát, kiên quyết không cho xuất bến đối với các xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe, xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lái xe không bảo đảm điều kiện sức khoẻ; tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động vận tải hành khách tại các địa điểm có hiện tượng “xe dù, bến cóc”…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có 736 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng với 1.057 phương tiện. Trong đó, có 113 doanh nghiệp với 472 xe; 10 hợp tác xã với 27 xe; 614 hộ kinh doanh với 558 xe...
Hoài Thu