Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị.

Trong thời gian qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động vốn cho đầu tư phát triển và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn tỉnh đã thu hút 1.845 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 350.000 tỷ đồng (trong đó, có 109 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4.185 triệu USD). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 138 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,475 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các dự án đầu tư trong giai đoạn qua tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiếp đến là lĩnh vực văn hóa - xã hội và du lịch. Trong đó, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có 572 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 174.500 tỷ đồng, chiếm 49,8% tổng số vốn thu hút đầu tư; thương mại - dịch vụ 648 dự án, với tổng vốn khoảng 30.000 tỷ đồng, chiếm 8,6%; nông nghiệp 166 dự án, với tổng vốn khoảng 23.300 tỷ đồng, chiếm 6,7%; văn hóa - xã hội, du lịch 166 dự án, với tổng vốn khoảng 53.700 tỷ đồng, chiếm 15,3%...

Cùng với đó, việc thu hút đầu tư vào khu vực miền núi từng bước được cải thiện, tỷ lệ các dự án đầu tư vào khu miền núi tăng từ 13,3% năm 2015 lên 21,1% năm vào năm 2020, góp phần tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập và thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở khu vực miền núi...

Phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn 2011-2020, năm 2021 toàn tỉnh đã thu hút được 103 dự án đầu tư trực tiếp, bằng 57,5% so với cùng kỳ (trong đó có 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 24.701 tỷ đồng (tăng 17,2% so với cùng kỳ) và 155,25 triệu USD (bằng 61,5% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đơn cử như công tác nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng đầu tư còn bị động, chưa thực sự hiệu quả, thiết thực; thông tin và cơ sở dữ liệu xúc tiến đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư...

Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động, vị trí, vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; việc thực thi cơ chế, chích sách thu hút đầu tư; hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại một số Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trong tỉnh; vấn đề kết nối, hỗ trợ, tuyên truyền, cung cấp thông tin về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thu hút nhà đầu tư...

Đồng thời, đề xuất các giải pháp thực thi hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư trong gian đoạn tới, như rà soát, hoàn thiện, bổ sung, xây dựng các quy hoạch, cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác quảng bá xúc tiến đầu tư; tập trung tạo nhiều quỹ đất sạch và các điều kiện cần thiết khác đón các nhà đầu tư...

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Xúc tiến, thu hút đầu tư có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung tháo gỡ, do đó các ngành, đơn vị phải thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến, thu hút đầu tư. 

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị việc thu hút đầu tư cần quan tâm, tập trung vào những ngành nghề sản xuất, kinh doanh có giá trị gia tăng cao như, nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường; công nghiệp phụ trợ; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... Trong quá trình thực hiện phải có sự thống nhất trong chỉ đạo, cung cấp thông tin, hướng dẫn giúp đỡ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong thời gian tới, ông Đỗ Minh Tuấn đề nghị các ngành, địa phương nâng cao chất lượng lập và phê duyệt quy hoạch; khẩn trương hoàn thành việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng các Quy hoạch phân khu chức năng trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Các ngành tập trung tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành.

Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh cơ chế, chích sách thực hiện giải phóng mặt bằng sạch tại một số khu, cum công nghiệp trên địa bàn tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để đón nhà đầu tư. Đối với những dự án trọng điểm, dự án có quy mô lớn có thể tham mưu thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để chỉ đạo, hỗ trợ triển khai thực hiện dự án.

Hoài Thu