Dịch bệnh cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do vi-rút gây ra cho các loài gia cầm, lây lan qua nhiều con đường như vận chuyển gia cầm, di cư của các loài chim hoang dã qua không khí, chất thải, nước, dụng cụ chăn nuôi... Bệnh dễ phát sinh vào thời điểm chuyển mùa, vi-rút lây lan rất nhanh, gây nguy hiểm cho tất cả các loại gia cầm và một số chủng cúm có thể lây sang người.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, hiện chưa ghi nhận ổ dịch phát sinh, nhưng từ kết quả giám sát trong năm 2022, tỷ lệ lưu hành vi-rút cúm gia cầm trên đàn thủy cầm của tỉnh rất cao, lên tới trên 5,25%, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát.
Vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương không lơ là, chủ quan; chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, ngăn chặn, hạn chế thấp nhất vi-rút cúm gia cầm lây nhiễm, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.
Những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm đang chuyển dịch theo hướng tích cực, như: giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, phát triển trang trại, với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp; hình thành các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ...
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và nguy cơ bùng phát trên địa bàn, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố để giám sát, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; nhất là tại một số huyện có số lượng đàn gia cầm lớn như Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân...
Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định; vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại khu vực nuôi gia cầm.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán và nhập giống, sản phẩm gia cầm vào địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, vận chuyển con giống và sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc xuất xứ, nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh.
Tổ chức phân công lực lượng tăng cường giám sát dịch bệnh và tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, dập tắt ổ dịch ngay trong diện hẹp, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đồng thời, tổ chức rà soát tổng đàn gia cầm để thực hiện tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.
Có kế hoạch dự phòng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất, để chủ động phòng, chống dịch khi có dịch xảy ra. Đi đôi với đó, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và lấy mẫu xét nghiệm sự lưu hành các chủng vi-rút cúm gia cầm (H5N1, H5N6, H5N8...) trên địa bàn bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; thông báo kịp thời cho Sở Y tế để phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người.
Hoài Thu