Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm vẫn được kiểm soát tốt; tuy nhiên nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh gia súc, gia cầm xâm nhập, lây lan rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan; đồng thời để ngăn ngừa bệnh truyền lây cho người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh liên quan tổ chức thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm” tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao, thường xuyên xuất hiện dịch bệnh để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Thời gian thực hiện đồng loạt trên địa bàn tỉnh từ ngày 15/03/2022.
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Bố trí ngân sách địa phương để mua vật tư, hóa chất để tổ chức thực hiện vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
Phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện giám sát, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng trên địa bàn; Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động đủ số lượng người theo yêu cầu của công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại địa phương; tổ chức các đội làm tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu.
Đối với những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm chủ động vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y; Chỉ đạo tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch này; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ thú y bám sát địa bàn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật khử trùng, tiêu độc, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người, động vật, phương tiện; cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện “Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh...
Các sở, ngành và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các bệnh lây từ động vật sang người tỉnh tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương.
Hoài Thu