Trước tình hình thị trường giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chọn mua những loại thức ăn có giá bán rẻ để giải quyết bài toán “hạ giá thành” sản xuất, vì vậy, không tránh khỏi việc một số gian thương cố tình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng ngoài danh mục được phép lưu hành... nhằm trục lợi.
Tuy nhiên, khi sử dụng thức ăn chăn nuôi không bảo đảm chất lượng, vật nuôi sẽ chậm lớn, tỷ lệ hao tổn thức ăn cao. Đối với thuốc thú y kém chất lượng, sẽ không có khả năng phòng, trị bệnh, có thể gây còi cọc, chết vật nuôi. Điều đáng nói là các mặt hàng này khó kiểm chứng chất lượng và hiệu quả so với quảng cáo trên bao bì, việc lựa chọn, phân biệt thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất lượng là vấn đề không dễ với nhiều người chăn nuôi.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đối với sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, buôn bán, sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Nhất là, về nguy cơ tác hại của việc sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi chất lượng kém và không đúng quy định; chỉ nên mua ở những cơ sở kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành.
Bên cạnh tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn được chú trọng thực hiện; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng.
6 tháng đầu năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã thực hiện việc thống kê và giám sát các cơ sở sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Từ đó, thành lập các đoàn kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, lưu thông, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi.
Kết quả 100% các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi được quản lý, giám sát, chấp hành nghiêm các điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức thẩm định, gia hạn, cấp mới, cấp lại 39 chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi cho các cơ sở và cá nhân. Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy 50 sản phẩm thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù công tác quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, tuy nhiên việc xử lý mới dừng ở việc xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chưa nắm vững các quy định của pháp luật nên đoàn thanh tra, kiểm tra vừa làm nhiệm vụ, vừa tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các chủ cơ sở.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương tuyên truyền về danh mục thuốc, các loại thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành hoặc cấm sử dụng; phổ biến về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Người chăn nuôi cũng cần chủ động triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để giảm lượng thuốc thú y sử dụng; chỉ mua các sản phẩm ở các cơ sở lớn, được cấp phép để tránh ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm chăn nuôi.
Hoài Thu