Thanh Hoá là một trong những tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh khá cao so với mức trung bình trong cả nước.
Thanh Hoá là một trong những tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh khá cao so với mức trung bình trong cả nước.

Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới

Tỷ số giới tính khi sinh phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số giới tính khi sinh chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa đến sự ổn định dân số của một nước.

Các nghiên cứu chuyên sâu về Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam được phối hợp giữa Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) từ kết quả của cuộc Tổng điều tra đã chỉ ra rằng với tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái (năm 2019) so với mức sinh học tự nhiên 105 bé trai/100 bé gái, số lượng trẻ em gái bị thiếu hụt ở Việt Nam sẽ là khoảng 45,9 nghìn trẻ, tương đương với 6,2% tổng số trẻ em gái được sinh ra.

Các chuyên gia dân số cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh là tâm lý ưa thích con trai của người Việt Nam. Điều này xuất phát từ chế độ phụ hệ/ phong tục cư trú bên nội thường dẫn đến sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới trong gia đình, trong đó bao gồm tâm lý ưa thích con trai.

Theo chế độ phụ hệ/ phong tục cư trú bên nội, những người con trai lớn trong gia đình thường có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già, thường ở cùng nhà với cha mẹ ruột và con trai thường thừa kế từ cha mẹ nhiều hơn so với con gái.

Nguyên nhân thứ 2 là việc tiếp cận kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Hầu hết người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ siêu âm, phá thai với mục đích lựa chọn giới tính với giá cả phải chăng. Mặc dù Chính phủ đã tăng cường khung pháp lý để giải quyết sự gia tăng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh (đã có các quy định cấm xác định giới tính thai nhi và tất cả các hình thức lựa chọn giới tính nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức sinh học bình thường vào năm 2025), các ông bố, bà mẹ tương lai vẫn có thể dễ dàng có được thông tin về giới tính thai nhi. Do vậy, thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở giới - được thực hiện thông qua siêu âm kết hợp với phá thai - vẫn đang tiếp tục diễn ra ở Việt Nam.

Một yếu tố nữa là các chính sách dân số của Chính phủ và xu hướng mong muốn quy mô gia đình hai con hoặc ít hơn ở nhiều vùng ở Việt Nam. Cả ba yếu tố này tạo ra các điều kiện kinh tế, xã hội cho việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Dưới góc nhìn của sự phát triển bền vững, mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước, gây bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội. Bất bình đẳng giới sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như: Phụ nữ không có được vị thế, người phụ nữ không có được tiếng nói, phụ nữ không phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội nói chung.

Nhìn rộng hơn, mất cân bằng về tỷ số giới tính kéo theo những hệ lụy kinh tế và xã hội khác. Đó là sự thay đổi về cơ cấu ngành, nghề, môi trường làm việc… Nguy cơ thiếu nhân lực trong một số ngành, nghề vốn thích hợp với phụ nữ như giáo viên, y tá, may mặc.

Thanh Hoá đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Thanh Hoá là một trong những tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh khá cao so với mức trung bình trong cả nước (113,5 nam/100 nữ). Nhằm khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, Thanh Hoá đã và đang đề ra những giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần đảm bảo sự ổn định kinh tế - xã hội.

Theo đó, Chi cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Thanh Hoá đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh Thanh Hoá, ngành Y tế để có cơ chế chính sách thực hiện tốt chiến lược dân số; tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về sức khoẻ sinh sản. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh ở các địa phương góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, đề án đã tổ chức 119 cuộc hội thảo cung cấp thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cho lãnh đạo Đảng, chính quyền các địa phương; 23 lớp tập huấn cho 1.156 người, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng 8.658 tin, bài, 70 phóng sự, tổ chức 1.571 buổi nói chuyện chuyên đề cho hơn 81.000 lượt người nghe, sản xuất hơn 320.070 tờ rơi và 9.424 cuốn tài liệu tuyên truyền; 37.983 tờ áp phích, thành lập và hướng dẫn hoạt động cho 210 câu lạc bộ. Phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tiến hành mỗi năm 1 đợt thanh, kiểm tra 53 cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm và nạo phá thai về thực hiện các quy định của pháp luật.

Đồng thời, Chi cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Thanh Hoá cũng đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-CCDS về thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2022.

Đề án được triển khai trên phạm vi 310 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố. Với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh (bé trai/100 bé gái) đạt mức 113,5 năm 2022.

Nội dung Đề án được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Trong đó, đối với cấp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về thực trạng, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh, các quy định của pháp luật nghiêm cấm lực chọn giới tính thai nhi; kết quả triển khai thực hiện đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh...

Ở cấp huyện, xã, Trung tâm Y tế huyện hướng dẫn, chỉ đạo Trạm Y tế xã phối hợp với UBND xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biên tập tài liệu truyền thông và thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã. Tổ chức nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh cho đối tượng là nam nữ chuẩn bị kết hôn và đã sinh con theo quy định của pháp luật ở 310 xã triển khai thực hiện đề án, dự kiến 15.500 người tham dự. Tiếp tục duy trì sinh hoạt của 114 câu lạc bộ về giới và bình đẳng giới. Năm 2022 phấn đấu mở rộng 196 câu lạc bộ.

Hoài Thu