Theo mục tiêu Kế hoạch, năm 2023 diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh Thanh Hóa là 391.000 ha, trong đó vụ đông 46.000 ha, vụ đông xuân 192.000 ha, vụ thu mùa 153.000 ha; sản lượng lương thực đạt 1,5 triệu tấn trở lên; giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 120 triệu đồng/ha canh tác, cao hơn 5 triệu đồng/ha so với năm 2022.
Riêng đối với vụ đông năm 2022 - 2023, được xác định là vụ sản xuất chính trong năm, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 46.000 ha trở lên, trong đó ngô 15.000 ha, khoai lang 2.700 ha, lạc 1.500 ha, rau đậu các loại và các cây trồng khác 26.800 ha. Tổng giá trị sản xuất vụ đông phấn đấu đạt 3.404 tỷ đồng trở lên, bình quân đạt 74 triệu đồng/ha gieo trồng, tăng 1,4 triệu đồng/ha so với vụ đông năm 2021 - 2022.
Nhóm cây trồng chủ lực trong vụ đông gồm ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại. Chú trọng mở rộng diện tích các loại cây có thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là các sản phẩm tiêu thụ, chế biến nội địa như khoai tây chế biến, dưa chuột, bí xanh, hành tỏi, các loại hoa...
Để đạt được các mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị mình, xây dựng phương án sản xuất của địa phương với các giải pháp cụ thể, linh hoạt, lựa chọn hình thức tổ chức triển khai phù hợp đến các xã, phường, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp, doanh nghiệp và Nhân dân để thực hiện.
Tập trung đẩy mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện phát triển trồng trọt; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; phấn đấu năm 2023 tích tụ được 7.100 ha, lũy kế hết năm 2023 tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 49.100 ha.
Bên cạnh đó, đổi mới, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất trồng trọt; có phương án quản lý, điều hành tưới tiêu hợp lý, kịp thời...
Trước mắt, tập trung chỉ đạo bảo vệ sản xuất vụ thu mùa 2022, tổ chức thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa và cây trồng vụ thu mùa khi đến thời điểm chín để đảm bảo năng suất và sản lượng; triển khai phương án sản xuất vụ đông 2022 - 2023 theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, đảm bảo diện tích đạt 46.000 ha trở lên.
Tăng tối đa diện tích các cây trồng chính như ngô, cây thức ăn chăn nuôi, rau vụ sớm, các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định; gắn sản xuất với chứng nhận an toàn thực phẩm; chỉ sản xuất các loại cây trồng phục vụ xuất khẩu khi có hợp đồng và bảo lãnh tiêu thụ nông sản.
Xây dựng các giải pháp, trong đó tập trung về kỹ thuật làm đất, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; ứng dụng công nghệ cao...
Cung cấp vật tư và dịch vụ cho sản xuất kịp thời, các đơn vị dịch vụ thủy lợi làm tốt công tác tiêu úng đầu vụ, chống hạn giữa và cuối vụ.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trồng trọt; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất theo hợp đồng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Lê Nam