Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về việc ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND ngày 19/6/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh. Nội dung này do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo và báo cáo tại phiên họp.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Bùi Đình Sơn, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND cho thấy, Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND có nhiều nội dung không còn phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Đất đai năm 2024, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 sửa đổi, bổ sung năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đa phần các nội dung trong Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND đã được quy định cụ thể trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Vì vậy, việc bãi bỏ Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND ngày 19/6/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Trên cơ sở rà soát, báo cáo, đề xuất của Sở Tư pháp cũng như ý kiến góp ý của các đại biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất chủ trương bãi bỏ Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND ngày 19/6/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.
Trước khi ban hành Quyết định bãi bỏ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp tiếp tục xin ý kiến góp ý từ phía các huyện, thị xã, thành phố làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định.
Tiếp đó, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2024 tỉnh Thanh Hóa từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh (đợt 3).
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất với báo cáo, đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời nhấn mạnh: Hiện tỉnh đã có dự kiến đầu tư công đợt 1 năm 2025, vì vậy khi Chính phủ có thông báo phân bổ vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát lại các nội dung, kế hoạch theo yêu cầu để báo cáo HĐND tỉnh. Tinh thần là tập trung ưu tiên cho các dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó chú trọng đầu tư về hạ tầng giao thông, chuyển đổi số; các công trình văn hóa, y tế, giáo dục.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào Tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài thực hiện giải ngân sang năm 2024 theo đề xuất của UBND TP. Thanh Hóa, do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo; Báo cáo tình hình thực hiện biên chế công chức hành chính, biên chế sự nghiệp năm 2024 và kế hoạch giao biên chế năm 2025 của tỉnh Thanh Hóa, do Sở Nội vụ chủ trì soạn thảo và báo cáo tại phiên họp; Báo cáo quyết toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn - chi ngân sách địa phương tỉnh Thanh Hóa năm 2023, do Sở Tài chính chủ trì soạn thảo.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ và Sở Tài Chính.
Riêng kế hoạch giao biên chế năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ làm rõ nguyên tắc thực hiện xây dựng kế hoạch biên chế năm 2025; bảo đảm đến năm 2026 thực hiện giảm 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm 8% biên chế viên chức trong khối Đảng, MTTQ, đoàn thể và khối chính quyền tỉnh Thanh Hóa.
Phiên họp cũng cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo đánh giá tình hình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch giai đoạn 2026-2030; đề xuất các chương trình trọng tâm và khâu đột phá trong giai đoạn 2026-2030. Nội dung này do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn gợi ý nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tiêu đề, bố cục, nội dung của báo cáo và yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan bổ sung, hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu.
Lê Huy