Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Tỉnh Thanh Hóa có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư và có được kết quả đáng ghi nhận. Sau giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, chuyển sang giai đoạn 2011 - 2018, tiếp đó là năm 2018-2022 đã có nhiều nguồn vốn đầu tư vào Thanh Hóa, trong đó nguồn vốn FDI đóng vai trò đáng kể.
Thanh Hóa đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng cũng được triển khai sôi động như: dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Khu trang trại sản xuất kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao an toàn tại khu vưc phía Bắc Việt Nam, Nhà máy may Nomura, Nhà máy sản xuất và kinh doanh hàng dệt may South Asia Garment...
Từ cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến thu hút FDI vào tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, số lượng các dự án và vốn đầu tư đăng ký cũng giảm dần từ năm 2020 đến 2022...
Tuy nhiên, so với các tỉnh miền Trung, Thanh Hóa vẫn đang là địa phương dẫn đầu với chiếm 24%, tổng vốn đăng ký của cả khu vực (UBND tỉnh Thanh Hóa, 2023). Thành công này được đánh giá là kết quả của quá trình tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực. Đặc biệt, việc Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã tạo ra xung lực, được ví như “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài (Ban Chấp hành Trung ương, 2020).
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết:
Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng: "Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Lợi ích của doanh nghiệp là mục tiêu trước mắt và lâu dài của tỉnh Thanh Hoá”. Tỉnh Thanh Hóa cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với các nhà đầu tư đến với Thanh Hóa; luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án đạt hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa kỳ vọng thu hút thành công 30 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp
Hiện nay, hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư đã được tỉnh Thanh Hóa và các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh. Lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với một số ngân hàng, tập đoàn, nhà đầu tư lớn như: Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn DIC, Tập đoàn SAB, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn WHA, Công ty CP Tập đoàn TH... Cùng với việc quảng bá tiềm năng, giới thiệu các ngành, nghề, dự án đang ưu tiên thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh cũng đã tìm hiểu, nghe và chia sẻ, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy các hoạt động đầu tư vào địa bàn đối với nhiều dự án lớn, trọng điểm, như: Nhà máy Điện khí LNG Nghi Sơn; Nhà máy Hóa chất Đức Giang; Dự án Đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng; Dự án đầu tư Khu Công nghiệp Phú Quý; Trung tâm Thương mại Quảng Thành; Dự án Đầu tư xây dựng sân golf phía Tây Nam TP Thanh Hóa...
Tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, ngay từ đầu năm 2024, ban đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đón tiếp 2 đoàn nhà đầu tư nước ngoài và 3 đoàn nhà đầu tư trong nước tới tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thanh Hóa.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I năm nay, toàn tỉnh thu hút được 25 dự án đầu tư trực tiếp; trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 3.400 tỷ đồng và 60,6 triệu USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ. Các dự án được đăng ký đầu tư năm nay có mặt ở tất cả các vùng miền trong tỉnh từ đồng bằng, ven biển đến miền núi và tập trung ở các lĩnh vực: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, khai khoáng... Cùng với công tác hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa, nhiều dự án đầu tư mới, dự án công nghiệp cũng đã hoàn thành, đi vào hoạt động.
Đặc biệt, với các nỗ lực xúc tiến đầu tư, năm 2024, thu hút FDI của Thanh Hóa kỳ vọng khởi sắc với nhiều dự án mới quy mô lớn như: Nhà máy Điện khí LNG Nghi Sơn (vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD), dự án Khu Công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo (400 triệu USD); Dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall (170 triệu USD), 2 dự án khu công nghiệp của Tập đoàn WHA (110 triệu USD)...
Đáng chú ý, Dự án Nhà máy Điện khí LNG có quy mô đầu tư khoảng 2,5 đến 3 tỷ USD được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 hiện đang thu hút sự quan tâm của 5 nhóm nhà đầu tư lớn tầm cỡ thế giới và được kỳ vọng trở thành động lực mới cho ngành năng lượng Thanh Hóa. Đây là dự án lớn thứ ba của tỉnh Thanh Hóa, sau dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2. Việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án dự kiến sẽ được thực hiện trong quý II/2024 và công tác đầu tư dự tính sẽ được hoàn thành trước năm 2030.
Cùng với đó, Dự án Khu Công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo dự kiến cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2024. Thời gian qua, Tập đoàn Sumitomo Corporation thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc phát triển và vận hành này với diện tích phát triển dự kiến là 650ha và trung tâm tiếp vận, đô thị xung quanh khu công nghiệp với diện tích phát triển dự kiến khoảng 168,5ha. Dự án dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024-2025, với tổng số vốn hơn 400 triệu USD.
Thanh Hóa đặt kỳ vọng thu hút thành công 30 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu sẽ tiếp cận và xúc tiến từ 3 - 6 công ty sở hữu công nghệ gốc nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới. Ngoài các địa bàn truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Cô-oét... thì các thị trường Mỹ, Châu Âu, Nga, các tập đoàn lớn từ các nước phát triển đang là đích hướng tới. Với “chất xúc tác” mạnh mẽ từ các hoạt động xúc tiến, đối ngoại, kỳ vọng Thanh Hóa sẽ đón nhận thêm các dòng vốn chất lượng cao trong tương lai rất gần.
Lê Nam