Phát biểu tại hội thảo với chủ đề "Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid 19: một số yêu cầu cải cách thể chế" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 1/6, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.

Đến nay, Việt Nam cơ bản khống chế được dịch, nhờ đó bắt đầu bước vào khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, trên thế giới diễn biến của dịch còn hết sức phức tạp. "Đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để có biện pháp tháo gỡ, qua đó đưa nền kinh tế phát triển. Những điểm nghẽn này thực tế  không phải đến lúc có dịch Covid-19 mới xuất hiện, mà đã có từ trước chưa khắc phục được. Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch, các điểm nghẽn đó có thể có những biến đổi cần phải nhìn nhận rõ để tháo gỡ", Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Cần giải quyết những điểm nghẽn để doanh nghiệp phát triển hơnCần giải quyết những điểm nghẽn để doanh nghiệp phát triển hơn

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô của CIEM, hiện nay, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới, do đó, cần tiếp tục nghiên cứu thảo luận về nhiều lĩnh vực cải cách như phát triển doanh nghiệp, thương mại... Quá trình đó phải tính đến những thay đổi, những ẩn số có thể tác động đến kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm tới.

Về những hệ lụy của dịch COVID-19, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, hiện các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới; trong đó, có Việt Nam. Không ít đánh giá cho rằng, tác động đối với kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn so với cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu và những hệ lụy này có thể kéo dài.

"Đã có chuyên gia cảnh báo khủng hoảng nợ toàn cầu do hệ lụy của các biện pháp kích thích tài khóa - tiền tệ trong thời kỳ trong và sau đại dịch Covid-19", ông Nguyễn Anh Dương nói.

Nói về một số điểm nghẽn đối với phát triển hậu COVID-19, đại diện CIEM nhấn mạnh tới điểm nghẽn về chất lượng thể chế, thể hiện ở việc triển khai Chính phủ điện tử (tiến tới Chính phủ số); hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công; phát triển bao trùm và bền vững.

Ông Nguyễn Anh Dương lưu ý tới điểm nghẽn ứng xử với nhà đầu tư. "Tới đây, việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết, mà để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực quan tâm thì Việt Nam cần để ý đến ban hành các tiêu chuẩn".

'Cứu cánh' cho Việt Nam và EU

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang nổi lên là một trong những quốc gia thành công trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, là một trong số ít các quốc gia đang mở cửa trở lại nền kinh tế, Việt Nam cũng trở thành hình mẫu cho những quốc gia khác noi theo. Tuy nhiên, trong tương lai, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào thương mại tự do, công bằng và dựa trên những quy tắc (đặc biệt là xuất khẩu) với các thị trường quan trọng trên thế giới, điển hình như Liên minh châu Âu (EU).

Theo Chủ tịch EuroCham, trong bối cảnh thương mại có nhiều biến động như hiện tại, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được coi là một điểm sáng trong lộ trình phục hồi kinh tế Việt Nam. Sau khi được phê chuẩn và có hiệu lực, Hiệp định này sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế quan, đồng thời mở ra các lĩnh vực mới cho đầu tư. Với lộ trình thực hiện kéo dài một thập kỷ, EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU.

Như vậy, Hiệp định EVFTA sẽ mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội “truy cập” vào thị trường châu Âu, thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và sáng tạo của châu Âu. EVFTA cũng góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đưa quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư châu Âu ở châu Á.

Chủ tịch Nicolas Audier nhấn mạnh, “Có thể thấy, bất chấp tác động ngắn hạn của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5% vào năm 2020. Mặc dù con số này đã giảm so với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong những năm gần đây, tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”.

 PV