Khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.
Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ; vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 4,3 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế đến ngày 20/3, cả nước có 36.881 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 444,1 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế của các dự án ước đạt hơn 278,3 tỷ USD, bằng gần 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI giảm sâu hơn trong 3 tháng đầu năm: xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ (giảm mạnh hơn so với mức giảm 5,3% trong 2 tháng đầu năm), chiếm 75,7% kim ngạch xuất khẩu; xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 59,34 tỷ USD, giảm 10,2% (giảm mạnh hơn so với mức giảm 5,5% trong 2 tháng), chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Theo Kết quả khảo sát năm 2022 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam: 60% số doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, cao nhất trong khối ASEAN; Việt Nam có lợi thế về tiềm năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu; 56,5% số doanh nghiệp sẽ xem xét thúc đẩy mức độ thu mua nội địa hóa tại Việt Nam cao hơn, đồng thời tiếp tục tăng cường đầu tư cho thiết bị, thúc đẩy tự động hóa, số hóa nhằm tiết kiệm nhân lực, tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Theo khảo sát tháng 1/2023 về môi trường kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam được đánh giá thuộc tốp 5 điểm đến đầu tư toàn cầu; vừa qua, trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới, Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia… Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các nhà đầu tư nước ngoài, đại diện lãnh đạo các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư làm ăn lâu dài, bền vững tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng bày tỏ quyết tâm mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thời gian tới, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc trên nhiều lĩnh vực trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay.
Cải cách thủ tục hành chính và giảm thời gian xét duyệt thủ tục được hầu hết các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị Chính phủ. Theo Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam Takeo Nakajima đánh giá, việc cấp các loại giấy phép trong nước, tốc độ xử lý thủ tục hành chính chậm, 66% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các thủ tục hành chính có vẻ đang chậm lại, trong khi con số này ở ASEAN chỉ 47%, do đó Việt Nam cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức và tạo điều kiện cho mức giá phù hợp, điều này quan trọng vì các doanh nghiệp cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch.
Ông Emin Turan, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dược phẩm Sanofi nêu một vấn đề, đó là khả năng tiếp cận các sản phẩm đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn rất thấp, chỉ có 9% các loại thuốc mới trên thế giới có mặt ở Việt Nam. Theo ông, điều này là do rào cản chính sách, quy trình hoàn trả kéo dài, thay đổi chính sách thường xuyên, ảnh hưởng việc tiếp cận thuốc của các bệnh nhân ở Việt Nam. Một loại thuốc, vắc-xin sẽ chỉ có mặt ở bệnh viện công Việt Nam sau 8 năm kể từ thời điểm nộp đơn xin xét duyệt.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Greg Testerman mong Chính phủ Việt Nam thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời, nhất là hệ thống lưu trữ điện; đẩy nhanh việc cấp phép các dự án năng lượng, gia hạn cấp phép về dược phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho nhập cảnh, từ đó thúc đẩy lĩnh vực du lịch phát triển; miễn giảm thuế đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường…
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit đánh giá cao và hoan nghênh Chính phủ Việt Nam nỗ lực giải quyết thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang gặp phải; nêu rõ, mặc dù kinh tế toàn cầu bất ổn nhưng chỉ số lạc quan của doanh nghiệp châu Âu đối với Việt Nam tăng 8 điểm; Việt Nam được công nhận là ngôi sao đang lên trong các nước thu hút đầu tư. Với tinh thần đó, EuroCham đề xuất Chính phủ Việt Nam tăng tốc thực hiện chiến lược xanh, tạo chất xúc tác cho nền kinh tế…
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty LEGO Manufactoring Việt Nam Preben Elnef kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần hợp tác với các nhà đầu tư để nâng cao kỹ năng cho người lao động, chuyển từ lao động kỹ thuật thấp sang lao động tay nghề cao; Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục chất lượng cao, càng nhiều người được đào tạo kỹ năng cao thì sẽ phát triển nhanh.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Amkore Technology Việt Nam Kim Sung Hun, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intel Việt Nam Kim Huat Ooi kiến nghị Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi trong các quy định liên quan phòng cháy, chữa cháy, thiết lập cơ chế hỏi-đáp trực tuyến, sớm có các giải pháp sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; nâng cao hiệu quả hơn nữa cơ chế một cửa.
Tổng Giám đốc Công ty Bosch Việt Nam Dominik Meichle đề xuất cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, là yếu tố then chốt; đề nghị Chính phủ đi đầu điều phối hệ sinh thái giữa các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, cải thiện cụ thể đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp tài chính cho lĩnh vực này. Bosch Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này…
Đồng hành, đôi bên cùng thắng lợi
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào tháng 9/2022 và các lần gặp gỡ gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài đã cùng nhau trao đổi và thảo luận về 30 nội dung đề xuất từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, các nội dung kiến nghị đều đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cơ bản giải quyết và thống nhất qua các phiên kỹ thuật giữa các nhóm công tác của các bộ, ngành với cộng đồng doanh nghiệp.
Tại Hội nghị này, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng từ năm 2024 cũng là một trong những vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm. Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam Nitin Kapoor đề xuất Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do tác động của thuế này.
Tổng Giám đốc Công ty Bosch Việt Nam Dominik Meichle kiến nghị, đối với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đánh giá các gói hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp thay thế, giúp các doanh nghiệp duy trì sự hiện diện sau khi áp dụng thuế này.
Giải đáp vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ Việt Nam đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp (như hỗ trợ liên quan đến đất đai; chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng…) để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế này trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Giải đáp về vấn đề nhân lực, lao động, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định mạnh mẽ, Việt Nam sẽ đáp ứng cơ bản các nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư nước ngoài; đồng hành, có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tay nghề để đáp ứng yêu cầu, trong đó rất quan tâm lao động chất lượng cao, có kỹ năng tay nghề cao; tập trung sửa đổi hệ thống pháp luật tạo sự thông thoáng nhất, nhất là đối với Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam... Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định cho Bộ tập trung sửa đổi theo thủ tục rút gọn, tinh thần là phấn đấu trong tháng 7 này sẽ sửa xong Nghị định 152.
Đối với lĩnh vực năng lượng điện cũng được các nhà đầu tư kiến nghị nhiều, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong Quy hoạch điện VIII đã mở hướng có thể khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, góp phần chuyển dịch năng lượng cho khu vực và thế giới. Cụ thể là có thể phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhất là gió ngoài khơi để có thể xuất khẩu trực tiếp cho các quốc gia hoặc xuất khẩu gián tiếp thông qua điều chế hydrogen, pin năng lượng sạch... Bộ đang cùng với tư vấn gấp rút hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn Quy hoạch điện VIII chậm nhất giữa tháng 5 này.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, đối với các bộ, ngành, địa phương: Trong ngắn hạn, cần chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn, xử lý triệt để cho các nhà đầu tư; chủ động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư như: chuẩn bị mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng, nguồn cung lao động có tay nghề, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị, chuẩn bị sẵn các gói chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng trong năm 2024, tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư. Trong dài hạn, Bộ cho rằng cần tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp FDI để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…
Theo Bảo Trân ( Báo Nhân dân)