Thu thuế rất khó khăn
Tại Hội thảo “Tăng cường năng lực của ngành tài chính trong tiếp cận cuộc CMCN 4.0” - do Bộ Tài chính tổ chức ngày 11/5, Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, năm 2017, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trên 25%. Thế nhưng, nguồn thu thuế từ mảng này vẫn luôn nằm trong bí mật, những trường hợp đóng thuế kinh doanh qua facebook chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thực tế, các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn chủ yếu chịu sự điều chỉnh của các luật Thuế Thu nhập DN, Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập cá nhân và một số nghị định thông tư hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, công tác quản lý thuế dành riêng cho hoạt động thương mại điện tử mới dừng ở các biện pháp trước mắt, theo từng vụ việc chưa có chiến lược tổng thể, lâu dài do các chính sách chưa được hoàn thiện.
Những đơn vị bán hàng qua mạng xã hội thực hiện nghĩa vụ thuế chỉ đếm trên đầu ngón tay
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hiện tại, theo quy định các DN thương mại điện tử, cá nhân bán hàng trên mạng xã hội, nếu doanh thu bán hàng hóa trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Dù quy định này đã được ban hành và có hiệu lực, nhưng đến nay việc thu thuế vô cùng khó khăn. Các cơ quan thuế cũng đã có một thời gian ráo riết gửi tin nhắn đến các tài khoản kinh doanh qua mạng đến kê khai nộp thuế, nhưng kết quả không như mong đợi. Chưa kể, hoạt động thương mại điện tử không chỉ bó gọn trong phạm vi một nước, mà hướng tới những giao dịch xuyên biên giới.
Các chuyên gia cho rằng, trong thời đại CMCN 4.0, khái niệm tiền số, tiền ảo và blockchain đang ngày càng trở nên phổ biến và chắc chắn có tác động nhất định đến các hoạt động kinh doanh online, nếu không kiểm soát tốt nguồn thu thuế từ thương mại điện tử, Việt Nam sẽ thất thoát nguồn ngân sách rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Việt Nam chỉ rõ, vẫn còn lỗ hổng lớn trong thu thuế nhà thầu của các DN nước ngoài. Tuy không hiện diện tại Việt Nam, nhưng những tổ chức này lại có thu nhập phát sinh từ Việt Nam, mà không phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Ở chiều hướng ngược lại, nhiều DN ở Việt Nam, nhưng lại mua dịch vụ quảng cáo trên các website nước ngoài, nhưng không hề kê khai thực hiện nộp thuế nhà thầu. “Đây là lỗ hổng lớn trong thu thuế ở Việt Nam mà cơ quan quản lý vẫn chưa “vá” được”, ông Hưng khẳng định.
“Vá lỗ hổng” chính sách
Bà Nguyễn Thị Hánh - Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban thường trực Ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện nay, cơ quan thuế mới quản lý được các DN thương mại điện tử, còn các cá nhân tham gia hoạt động này thì chưa quản lý được.
Việt Nam có hơn 40 triệu người sử dụng Internet, trên 130 triệu thuê bao di động, trong đó rất nhiều người sử dụng điện thoại thông minh và thường xuyên thực hiện các giao dịch thương mại điện tử với rất nhiều loại hình như trò chơi trực tuyến, bán hàng qua mạng, quảng cáo trực tuyến, nội dung số... Nhiều DN có doanh thu lên đến hàng ngàn tỷ đồng/năm và đã thực hiện xuất khẩu sản phẩm thương mại điện tử ra nước ngoài.
Thừa nhận khó khăn trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nhất là trong thu thuế nhà thầu của các DN nước ngoài, ông Hưng phân tích, sự mở rộng của các hình thức kinh doanh đa bên và đa dạng các hình thức thanh toán, cơ chế thu thuế nhà thầu thông qua bên đại diện cho nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam nộp thuế không còn phù hợp trong môi trường thương mại điện tử.
Giới chuyên gia cho rằng, thời gian tới, dưới tác động của công nghệ, nền kinh tế chia sẻ, nhiều mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ thông tin trở thành xu hướng. Cùng với đó là sự hình thành của nhiều tập đoàn, công ty kinh doanh xuyên quốc gia.
Do đó, cơ quan thuế không thể đứng ngoài cuộc mà đòi hỏi phải có cái nhìn cởi mở hơn đối với xu hướng công nghệ trong hoàn cảnh thực tiễn.
Bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Chính sách thuế thu nhập DN (thuộc Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế) cho biết, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu để có tham mưu đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách thuế đối với thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong đó, sẽ xây dựng quy định cụ thể phân loại sản phẩm trong giao dịch thương mại điện tử là các sản phẩm đặc thù chưa được phân loại rõ trong chính sách thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng.
Quy định rõ hơn về cơ sở thường trú đối với DN nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử ở Việt Nam như quy định cơ sở thường trú thông qua sự hiện số, từ đó làm cơ sở xác định nghĩa vụ thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đối với các giao dịch xuyên biên giới của các DN không cư trú, không có cơ sở thường trú (văn phòng) cơ quan thuế đang nghiên cứu đề xuất quy định ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng.
Bà Mai cho rằng, sắp tới, cần sửa đổi một số quy định của các Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế… hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến và phù hợp thông lệ quốc tế.
Anh Đức