Cụ thể, theo thống kê của WHO cho biết, trong thế kỷ XXI, trên thế giới đã có khoảng 1 tỷ người tử vong do hút thuốc lá. Đáng chú ý, mỗi năm có tới 600.000 ca tử vong do hút thuốc lá thụ động, trong đó tới 64% là phụ nữ. Để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, các nước trên thế giới đã dùng nhiều biện pháp khác nhau về giá và thuế. Đây được cho là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Ảnh minh họa
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho biết sở dĩ giá thuốc lá ở Việt Nam thấp vì thuế thuốc lá của Việt Nam đang rất thấp, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 35,6%, thấp hơn nhiều so với trung bình thế giới là 56%. Theo tính toán, nếu tăng thuế khoảng 10% đối với thuốc lá thì sẽ góp phần giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển
Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng để giảm tỷ lệ tiêu dùng thuốc lá, Chính phủ cần tăng mức thu thuế tuyệt đối ít nhất lên 2.000 đồng/bao thuốc lá vào năm 2020 và có điều chỉnh mức thuế tuyệt đối này dựa vào CPI trong các năm tiếp theo.
Trước đó tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến xây dựng Dự thảo 'Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân'.
Trong đó nêu phương án tăng thuế thuốc lá là từ ngày 1/1/2020 áp dụng các loại thuế là 1.000 đồng/bao thuốc 20 điếu và 15.000 đồng/điếu xì gà. Nhưng theo tính toán của các chuyên gia, mức thuế này chỉ có thể làm giảm 1,5% tỉ lệ hút thuốc của nam giới vào năm 2020.
Hoàng An