Ngoài các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc thì các doanh nghiệp Thái Lan vài năm gần đây cũng nổi lên như là một trong những tay chơi tích cực nhất trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành hiện đã nằm dưới quyền kiểm soát của người Thái như Sabeco, Big C, xi măng Holcim, điện máy Nguyễn Kim, Nhựa Bình Minh…

Vào đầu tháng 4/2020, Stark Corporation phát đi thông báo cho biết đã mua thành công 100% cổ phần của CTCP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và CTCP Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina).

Theo đó, tập đoàn đến từ Thái Lan chi trả 240 triệu USD cho thương vụ, tương đương khoảng 66.67 đồng cho mỗi cổ phần của Thipha Cables và Dovina.

Trước đó, thương vụ đã được các cổ đông của Stark Coporation thông qua tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức hôm 23/2/2020.

Tập đoàn Thái Lan thâu tóm Cáp điện Thịnh Phát với giá hơn 5.000 tỷ đồngTập đoàn Thái Lan thâu tóm Cáp điện Thịnh Phát với giá hơn 5.000 tỷ đồng.

Thipha Cable được thành lập từ năm 1987 bởi doanh nhân Võ Tấn Thịnh , là một thương hiệu lớn trong lĩnh vực sản xuất dây và cáp tại Việt Nam bên cạnh một số thương hiệu lớn khác như Cadivi, Trần Phú, LiOA…

Đến cuối năm 2009, các cổ đông của ThiPha Cable thành lập Dovina để nhập khẩu và xử lý đồng và nhôm cho sản xuất dây và cáp điện. Dovina bán nguyên vật liệu đồng và nhôm cho ThiPha Cable cũng như các đối tác khác.

 Số liệu tài chính hợp nhất của 2 công ty (trước giao dịch Thipha Cable và Dovina là 2 công ty độc lập được sở hữu chủ yếu bởi ông Võ Tấn Thịnh) cho thấy tại thời điểm 30/9/2019, bộ đôi này có tổng tài sản 4.700 tỷ và vốn chủ sở hữu 1.100 tỷ đồng. Tổng doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt mức 7110 tỷ đồng và 344,8 tỷ đồng.

Một số dự án tiêu biểu có sự góp mặt của Thipha Cables như: Park Hill Building (Hà Nội); E-Home 3, 4, 5 (TP.HCM, Bình Dương); Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM); Diamond Bay Resort 2 (Khánh Hòa); Sân bay Phú Quốc (Kiên Giang).

Ngoài ra, Thipha Cables còn cung cấp nhiều sản phẩm tại thị trường nước ngoài như: Dự án Vatanac Tower (Campuchia); HongKong Land (Campuchia); Nhà máy Coca Cola (Myanmar).

Về cơ cấu cổ đông Thipha Cables trước thương vụ với Stark Corporation bao gồm: ông Võ Tấn Thịnh (99,98%) và 76,79% cổ phần của Dovina, Võ Tấn Nhựt (0,01%) và bà Nguyễn Thanh Tâm (0,01%). Trong khi đó, Dovina có vốn điều lệ đăng ký đạt 250 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông: Võ Tấn Thịnh (76,79%), Võ Tấn Nhựt (0,006%), Trác Văn Hùng (23,20%). Với tỷ lệ sở hữu như vậy, số tiền mà ông Võ Tấn Thịnh thu về chắc chắn không dưới 5.000 tỷ đồng.

Tới ngày 31/3/2020, cả Thipha Cables và Dovina đều ghi nhận những chuyển biến trong cơ cấu cổ đông và lãnh đạo cấp cao.

Cụ thể, các doanh nghiệp có liên quan tới Stark Corporation đã thâu tóm toàn bộ số cổ phần. Bên cạnh đó, vị trí Tổng Giám đốc của Thipha Cables và Dovina đã được chuyển giao từ ông Võ Tấn Thịnh sang ông Chinawat Assavapokee (SN 1974, quốc tịch Thái Lan). Cương vị Chủ tịch HĐQT tại 2 doanh nghiệp này do ông Chanin Yensudchai (Chủ tịch HĐQT tại Stark Corporation) đảm nhiệm.

Trước thương vụ M&A kể trên khoảng 8 tháng, CTCP Địa ốc Cáp điện Thịnh Phát đã tách ra thành CTCP Cáp điện Thịnh Phát và CTCP Địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát.Trong đó, CTCP Địa ốc – cáp điện Thịnh Phát đăng ký mảng kinh doanh chính là bất động sản.

Hay nói cách khác, ông Võ Tấn Thịnh đã tách mảng cáp điện thành công ty riêng để bán cho tập đoàn Thái Lan. Dù vậy, người sáng lập Thipha Cables vẫn còn sở hữu khá nhiều doanh nghiệp khác như: CTCP Đầu tư Kinh doanh tổng hợp Thịnh Phát, CTCP Đầu tư dự án Thịnh Phát, CTCP Điện Thịnh Phát,...

Theo các công bố thông tin từ Stark Corporation, mục đích khi M&A bộ đôi công ty sản xuất dây cáp điện Việt Nam nhằm: Tăng tiềm năng sản xuất cáp điện; Tăng hiệu suất, năng lực sản xuất, mở rộng kinh doanh để trở thành nhà máy cáp điện hàng đầu trong khu vực; và mở rộng cơ hội đầu tư kinh doanh sang lĩnh vực dây và cáp điện, đây là các mảng kinh doanh được kỳ vọng giúp Stark tăng trưởng cả thị trường trong nước và quốc tế.

 Tâm An