Đây là một hoạt động thường niên của Diễn đàn M&A Việt Nam. Danh sách thương vụ tiêu biểu sẽ giúp các doanh nghiệp, giới đầu tư đánh giá và nhìn lại sự phát triển về quy mô và tính chất của hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua.
Cùng điểm lại những doanh nghiệp có thương vụ M&A và đầu tư tiêu biểu của năm 2018-2019:
1. Vingroup: Thương vụ với SK, Hanwa, Fivimart
Cuối tháng 5/2019, Vingroup cũng đã thu về 17.437 tỷ đồng vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ hơn 154 triệu cổ phiếu cho SK Group. Giá phát hành bình quân mỗi cổ phiếu là 113.000 đồng. Tổng chi phí cho phát hành trên là 327 tỷ đồng. Thông qua mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu VIC từ Vincommerce, SK Group hiện sở hữu 205,7 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 6,15% vốn điều lệ.
Ngày 22/8/2018, Tập đoàn Vingroup (Mã cổ phiếu: VIC) đã công bố phát hành 84.000.000 cổ phần ưu đãi theo phương thức chào bán riêng lẻ cho Công ty Quản lý Quỹ Hanwha - công ty liên kết của Tập đoàn Hanwha. Tổ chức trực tiếp thực hiện mua cổ phần là Hanwha Vietnam Opportunity Private Fund 1.
Cổ phần ưu đãi được phát hành với giá 110.976 đồng/cổ phiếu. Tổng quy mô phát hành đạt hơn 9.300 tỷ đồng, tương đương 400 triệu USD. Toàn bộ lượng cổ phần phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Tập đoàn Hanwha là một trong 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc và nằm trong Top 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới, với mạng lưới hoạt động khắp toàn cầu lên đến 325 thành viên trên toàn thế giới, tính đến tháng 12 năm 2017. Hiện Hanwha đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực đa dạng, bao gồm hóa chất, năng lượng, hàng không vũ trụ và dịch vụ tài chính.
Cuối năm 2018, Vingroup đã chi ra hơn 1.000 tỷ đồng mua lại Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Nam, doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart và chuỗi bán điện thoại Viễn Thông A.
Sau khi hoàn tất việc mua lại, hai doanh nghiệp này được sáp nhập vào hệ thống công ty con của Vingroup trong từng lĩnh vực, cụ thể Fivimart được sáp nhập vào Vincommerce, còn Viễn Thông A được sáp nhập vào VinPro. Hệ thống siêu thị Fivimart, sau đó, cũng được đổi tên hoàn toàn thành VinMart.
2. SK Group: Thương vụ với Vingroup, Masan
Ngày 16/5/2019, tại Hà Nội, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn SK (Hàn Quốc) chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Tập đoàn SK sẽ đầu tư khoảng 23.300 tỷ đồng (1 tỷ đô la Mỹ) để mua cổ phiếu của Vingroup và sẽ trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn.
Theo đó, Tập đoàn SK đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce, với giá trung bình là 113.000 đồng một cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch khoảng 23.300 tỷ đồng, tương ứng 1 tỷ Đô la Mỹ. Mức giá phát hành tương đương thị giá hiện tại của Vingroup.
Sau khi hoàn tất chào bán cổ phần, vốn điều lệ của Vingroup sẽ tăng lên gần 34.299 tỷ đồng và SK sẽ là cổ đông nước ngoài lớn nhất nắm giữ 6% vốn điều lệ.
Vào tháng 09/2018, SK Holdings đã đầu tư 470 triệu USD mua lại toàn bộ 109,9 triệu cổ phiếu quỹ của Masan, tương ứng tỷ lệ sở hữu 9,5% vốn cổ phần, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Masan.
SK Group thông qua thương vụ với Masan, đã trực tiếp thâm nhập vào một loạt các công ty có liên quan đến Tập đoàn Masan, điển hình như Masan Resources - doanh nghiệp chuyên cung cấp hóa chất từ vonfram (như APT, BTO, YTO) lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc với thị phần 36% sau khi mua lại mỏ Núi Pháo và Masan Nutri-Science - doanh nghiệp chiếm 35% thị phần thức ăn chăn nuôi cho heo tại Việt Nam
3. Saigon Coop: Thương vụ với Auchan
Ngày 28/6/2019, Saigon Co.op và nhà bán lẻ Pháp Auchan công bố hai bên đã đạt thoả thuận chuyển giao tất cả hoạt động bán lẻ Auchan tại thị trường Việt Nam.
Theo đó, Saigon Co.op sẽ nhận chuyển giao 15 cửa hàng, trong đó 3 cửa hàng còn hoạt động cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online của Auchan Việt Nam.
Không tiết lộ giá trị chuyển nhượng nhưng phía Saigon Co.op cho biết, hai bên đã thỏa thuận hoàn tất về giá. Saigon Co.op sẽ quản trị thương hiệu Auchan tại Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán (đầu năm 2020). Sau thời gian này hai bên sẽ cùng bàn thảo lại.
Toàn bộ hệ thống, nhân sự, hàng hóa của Auchan tại Việt Nam sẽ được Saigon Co.op quản lý. Các thành viên của Auchan sẽ được chuyển đổi sang thành viên của Saigon Co.op theo nguyện vọng. Hai nhà bán lẻ cũng cho biết sẵn sàng thảo luận để mở ra cơ hội hợp tác khác trong tương lai.
4. Thaco : Thương vụ với HAGL
Đầu tháng 8/2018, Thaco đã ký hợp tác chiến lược với tập đoàn HAGL và Hoàng Anh Nông nghiệp Gia Lai (HNG), qua đó Thaco sở hữu 35% cổ phần của HNG.
Trong hơn bảy tháng qua, Thaco đã ứng vốn trên 10.500 tỷ đồng để giúp HNG tải cơ cấu nợ và chuyến đổi một phần diện tích cây cao su, cọ dầu sang trồng cây ăn trái; quy hoạch nông trường và ứng dụng giải phảp cơ giới hóa đồng bộ để phù hợp với thực tiễn.
Ngày 8/8/2018, tại buổi lễ công bố hợp tác chiến lược giữa Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty ôtô Trường Hải (Thaco), Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết, tổng số tiền Thaco đầu tư vào HAGL là 22.000 tỷ đồng.
5. Minh Phú: Thương vụ với Mitsui
Ngày 16/5/2019, Công ty TNHH Mitsui (Nhật Bản) vừa chính thức công bố đã đạt thỏa thuận về việc mua lại 35,1% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhà sản xuất tích hợp tôm lớn nhất thế giới từ nuôi đến chế biến và bán hàng.
Trước đó, năm 2013, Mitsui đã đầu tư vào Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (MPHG), một nhà máy chế biến thuộc Minh Phú.
Kể từ đó, Mitsui đã góp phần tối ưu hóa việc quản lý và vận hành MPHG. Thông qua việc đầu tư vào công ty mẹ, Mitsui sẽ có thể áp dụng các sáng kiến phát triển tại MPHG cho toàn bộ Tập đoàn Minh Phú và tận dụng mạng lưới bán hàng do Tập đoàn Mitsui toàn cầu thành lập để mở rộng doanh số bán hàng của công ty.
Mitsui sẽ giúp Minh Phú đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa thông qua việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số bao gồm Trí tuệ nhân tạo (AI) trong ao nuôi và nhà máy chế biến, đồng thời nâng cao hiệu quả trong chuỗi cung ứng tôm từ nuôi đến tiếp thị.
6. Dược Hậu Giang: Thương vụ với Taisho
Ngày 25/4/2019, Taisho chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang lên trên 50%, qua đó biến Dược Hậu Giang trở thành công ty con của tập đoàn Nhật Bản này.
Theo đó, Taisho đã mua được tổng cộng 20,6 triệu cổ phiếu trong tổng số 28,3 triệu cổ phiếu chào mua công khai, qua đó nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 66,4 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,78%.
7. Vinamilk: Thương vụ với GTN Foods
Ngày 5/6/2019, công bố báo cáo kết quả cho thấy, Vinamilk đã mua thành công 90.066.426 cổ phiếu GTN trong đợt chào mua công khai cổ phiếu nâng số lượng cổ phiếu GTN đang nắm giữ lên 95.854.896 cổ phiếu tương đương tỷ lệ 38,34%. Như vậy là, Vinamilk vẫn chưa thực hiện được mục tiêu nắm giữ đến 49% lượng cổ phần GTN Foods như ban đầu.
Thông tin trước đó cho thấy, Vinamilk chào mua 116,71 triệu cổ phần GTN, tương ứng 46,68% lượng cổ phần đang lưu hành của GTN với mức giá chào mua của Vinamilk là 13.000 đồng/cp. So với giá thị trường tại thời điểm Vinamilk chào mua thì mức giá chào mua của Vinamilk thấp hơn thị giá GTN thời điểm đó đến 24%.
8. Pan Group: Thương vụ với Sojitz
Ngày 25/9/2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (The PAN Group, HoSE: PAN) đã hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 13,4 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá 61.000 đồng/cổ phiếu cho Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản, thu về 817,4 tỷ đồng.
Sau đợt chào bán này, vốn điều lệ của Tập đoàn PAN tăng từ 1.202 tỷ đồng lên 1.336 tỷ đồng, và Sojitz trở thành cổ đông lớn nắm 10% cổ phần.
Sojitz là Tập đoàn đa ngành của Nhật Bản hoạt động trên toàn cầu, gồm 440 công ty con và công ty liên kết, hoạt động thương mại và đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tập đoàn kinh doanh đa ngành trên các lĩnh vực mua, bán, xuất nhập khẩu, sản xuất và cung ứng các sản phẩm dịch vụ, đồng thời kết nối nhiều dự án tại Nhật Bản và các quốc gia khác
9. Sơn Kim Land phát hành cho đối tác chiến lược
Ngày 1/8/2019, Công ty Cổ phần Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land) cho biết 121 triệu USD vốn huy động lần này đến từ nhóm nhà đầu tư EXS Capital, ACA Investments và Credit Suisse AG - chi nhánh Singapore (Credit Suisse).
Trong đó, các nhà đầu tư hiện hữu như ACA Investments và Lemongrass Master Fund (một quỹ đầu tư do EXS Capital quản lý) cam kết tăng thêm vốn đầu tư trong đợt huy động lần này. Đây là lần góp vốn thứ hai từ ACA Investments và thứ ba của Lemongrass Master Fund.
Bên cạnh đó, SonKim Land đang là đối tác với những nhà đầu tư mới khác trong đợt huy động vốn lần này như Skymont Capital - nhóm quản lý đầu tư tại châu Á, và Credit Suisse - một trong những định chế tài chính toàn cầu hoạt động tích cực tại Việt Nam.
Ngoài ra, Son Kim Investments, công ty mẹ của SonKim Land vẫn tiếp tục rót vốn để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của công ty. Nhóm nhà đầu tư cùng với Son Kim Investments thực hiện đầu tư bằng cả công cụ vay chuyển đổi và vốn cổ phần.
10. Gelex: Thương vụ với Viglacera
Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex vừa thông báo đã mua vào 27 triệu cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera – CTCP, qua đó nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp lên 57,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 12,74%. Ngày giao dịch thay đổi tỷ lệ sở hữu là 19/4/2019.
Cùng ngày 19/4, Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex – mã GEX) cũng thông báo đã mua 37 triệu cổ phiếu VGC để tăng sở hữu lên 54,8 triệu đơn vị, tương đương 12,23% vốn Vigalcera. Như vậy, tổng lượng cổ phiếu VGC mà nhóm Gelex đang nắm giữ lên tới 111,93 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 24,96%.
Trước đó vào ngày 29/3, Bộ Xây dựng bán đấu giá thành công 69 triệu cổ phiếu (tương đương 86% lượng chào bán) cho 3 nhà đầu tư tổ chức, thu về 1.587 tỷ đồng.
Hưng Khánh