Phát biểu tại họp báo, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư cho biết: “Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017. Tuy nhiên, nếu loại trừ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco, yếu tố gây đột biến cho hoạt động M&A Việt Nam năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tăng 41,4%”.
Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gàn 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới.
“Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD, bằng 53% cùng kỳ năm 2018, 3,55 tỷ USD. Còn theo một thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2,64 tỷ USD. Đáng chú ý nhất là thương vụ KEB HANA Bank chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần Ngân hàng BIDV ngày 22/7/2019, đây là thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam”, ông Minh cho hay.
Lễ họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2019
Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2019-2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và BĐS. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thuỷ sản, logistic, giáo dục....Các nhà đầu tư Singapore, HongKong, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong họat động M&A tại Việt Nam.
Theo ông Minh, dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với năm 2018. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6-6,5 tỷ USD, tuy nhiên để đạt mốc 10 tỷ USD thì cần sự nỗ lực lớn hơn.
Trong bối cảnh đó, hàng loạt những chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng, Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới lần đầu tiên dự kiến được Bộ Chính trị ban hành, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA... được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.
Song, để thị trường bứt phá đòi hỏi Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A.
Thêm nữa, vẫn còn đó những thách thức phải đối mặt đến từ những yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc. Hay các trở ngại từ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam.
Với sự tham gia của 500 đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, những người quyết định và tạo lập cho 85% giá trị các thương vụ diễn ra tại Việt Nam Diễn đàn M&A 2019 sẽ bao gồm các hoạt động chính: Chương trình Hội thảo thương niên tập trung phân tích những thay đổi, chuyển biến cũng như rào cản về chính sách nhằm thúc đẩy thị trường M&A Việt Nam, từ đó giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong ngoài nước nhận diện nguồn hàng, nguồn vốn ngoại và các lĩnh vực sẽ tạo đột phá; Bình chọn, trao thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018-2019; Khoá đào tạo cao cấp về chiến lược M&A; Phát hành đặc san Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam 2019.
Trúc Mai