Thăng trầm nghề trồng mía Trà Vinh

Nghề trồng mía ở Trà Vinh  được hình thành trên 40 năm với diện tích hàng năm từ 5.000 - 5.600 ha. Thập niên 90, cây mía đường được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên vùng đất này. Năng suất cây mía ở Trà Vinh luôn đạt từ 100 - 120 tấn/ha, mang lại nguồn thu cho nông dân từ 30 - 40 triệu đồng/ha, cao hơn 3 - 4 lần so với cây lúa.

Chính vì thế, cây mía được tỉnh Trà Vinh đưa vào chương trình phát triển trên những vùng đất bị nhiễm mặn vào mùa khô, trồng lúa kém hiệu quả, với quy hoạch vùng mía nguyên liệu 8.000 ha, tập trung tại 3 huyện Trà Cú, Tiểu Cần và Duyên Hải.

Thêm một mùa “mía đắng” (Trà Vinh) - Bài 1: Đâu rồi thời hoàng kim? - Hình 1

Khu vực cách đây 2 năm toàn là mía giờ nhường chỗ cho ao cá, tôm

Cùng với đó, vào năm 2000, tại huyện Trà Cú, Tổng công ty Mía đường 1 đầu tư xây dựng Nhà máy mía đường Trà Vinh, công suất 1.500 tấn mía cây/ngày (hiện nay công suất được nâng lên 2.650 tấn mía cây/ngày), nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho cây mía. Nhưng những năm gần đây, giá mía nguyên liệu không còn giữ được sự ổn định. Giá mía giảm nhanh khiến người trồng thua lỗ, không còn “mặn mà” với cây trồng truyền thống này. Nhiều hộ dân đã phá bỏ diện tích mía của gia đình để cải tạo đầu tư chuyển sang nuôi trồng những cây, con khác.

Nông dân quay lưng với cây mía

Nhằm đáp ứng đủ mía nguyên liệu cho nhà máy đường Trà Vinh có công suất chế biến 2.650 tấn mía cây/ngày, tỉnh Trà Vinh đã quy hoạch vùng mía nguyên liệu khoảng 8.000 ha; tập trung tại 3 huyện Trà Cú, Tiểu Cần và Duyên Hải. Tuy vậy, do liên tiếp 5 vụ liền giá mía nguyên liệu luôn đứng ở mức thấp, khiến nhiều nông dân “đua” nhau phá bỏ mía để nuôi trồng cây, con khác.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp Vịnh, xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú) người từng gắn bó với cây mía hàng chục năn qua, nói: “Gía mía liên tục giảm, Nhà Máy thì ép chữ đường, trong khi chi đầu tư ngày một cao, làm 10 công (10.000 m2), sau khi trừ chi phí lãi không quá 15 triệu đồng nên gia đình không thể tiếp tục gắng bó với cây mía, mà chuyển qua nuôi tôm – dù biết nuôi tôm cũng đầy rủi ro!...”.

Thêm một mùa “mía đắng” (Trà Vinh) - Bài 1: Đâu rồi thời hoàng kim? - Hình 2

  Nông dân quay lưng với cây mía sang trồng bắp

Ông Kim Phúc, ấp Vịnh, xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú) cho biết, trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào 7 công đất trồng mía. Từ niên vụ mía 2014 - 2015, do giá mía quá thấp, tuy năng suất đạt khá cao, từ 120 - 130 tấn/ha/vụ, nhưng thu lãi chẳng bao nhiêu. Thấy các hộ dân nuôi cá lóc ở xã Định An (huyện Trà Cú) có lãi khá, ông quyết định vay tiền ngân hàng, thuê cơ giới phá bỏ mía, đào ao nuôi tôm…

Cũng tại xã Lưu Nghiệp Anh, ông Nguyễn Văn Hòa, quyết định chuyển 6 công đất trồng mía sang trồng bắp, cho rằng, tuy giá bắp không cao nhưng nếu làm đạt năng suất, 2 vụ bắp và 1 vụ lúa trong năm, nông dân có thể thu lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, trồng bắp, lúa đỡ vất vả và hiệu quả hơn so với trồng mía...

Theo thống kê chưa đầy đủ, niên vụ mía 2016 - 2017, nông dân tỉnh Trà Vinh giảm hơn 600 ha mía để chuyển sang nuôi trồng cây con khác do giá mía liên tục giảm, người trồng không có lãi; trong đó, huyện Trà Cú chiếm hơn 4.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Lưu Nghiệp An, Đại An, Tân Sơn, Tập Sơn và Kim Sơn.

Cứ mỗi lần đến vụ thu hoạch mía, người nông dân ở tỉnh Trà Vinh lại đối mặt với nhiều nỗi lo. Người trồng mía hoài nghi, thiếu niềm tin đối với nhà máy vì sự thiếu minh bạch trong thu mua mía đã tồn tại từ nhiều năm. Mặc dù trước vụ thu hoạch mía hàng năm, ngành chức năng của tỉnh Trà Vinh đều tiến hành kiểm tra cách tính chữ đường, tỷ lệ tạp chất, giám sát trạm cân. Thế nhưng, đến nay những "khuất mắt" này vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Người trồng mía đang rất cần sự minh bạch, công khai trong quy trình thu mua mía hiện nay.

Cao Diên - Hải Dương