Theo đó dự luật sẽ cung cấp khoản trợ cấp 52 tỷ USD cho sản xuất và nghiên cứu vi xử lý. Ngoài ra, các quy định cũng bao gồm một khoản tín dụng thuế đầu tư cho các nhà máy chip trị giá 24 tỷ USD.
Thomas Caulfield, Giám đốc điều hành GlobalFoundries, hãng đúc chip của Mỹ cho biết, đạo luật về chip “giúp bảo vệ nền kinh tế, chuỗi cung ứng và an ninh quốc gia của Mỹ thông qua quá trình thúc đẩy sản xuất bán dẫn trên lãnh thổ quốc gia này”.
Dự luật được kỳ vọng giảm bớt tình trạng thiếu hụt dai dẳng đã tác động mạnh tới nguồn cung bán dẫn cho ô tô, vũ khí, điện gia dụng và trò chơi điện tử. Tại Michigan, hàng ngàn ô tô và xe tải vẫn đang nằm chờ chip chưa thể xuất xưởng.
Theo Reuters, ngày 8/8, lãnh đạo của GlobalFoundries và Applied Materials, cùng các hãng xe như Ford Motor và General Motors đã có cuộc họp kín với cơ quan chức năng để thảo luận về các kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.
Tham dự cuộc họp này có các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, gồm Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Brian Deese, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách sáp nhập Willian LaPlante và thành viên Hội đồng an ninh quốc gia Tarun Chhabra.
Cũng trong ngày 8/8, hãng khổng lồ vi xử lý Qualcomm thông báo mua thêm 4,2 tỷ USD chip bán dẫn từ GlobalFoundries, nâng mức cam kết giao dịch lên tổng cộng 7,4 tỷ USD từ giờ đến năm 2028.
Trước đó, 2 công ty đã ký thoả thuận giao dịch trị giá 3,2 tỷ USD các vi xử lý sử dụng trong bộ thu phát 5G, Wi-Fi, kết nối xe hơi và IoT.
Nhà sản xuất chip Qualcomm, chuyên sản xuất vi xử lý dành cho di động, là một trong những khách hàng đầu tiên ký thoả thuận “dài hơi” với GlobalFoundries vào năm 2021.
Trong khi đó, Intel và GlobalFoundries đã công bố kế hoạch mở rộng để tận dụng các khoản trợ cấp từ chính phủ. GlobalFoundries hợp tác với STMicroelectronics xây dựng nhà máy bán dẫn 5,7 tỷ USD tại Pháp.
GlobalFoundries hiện đang là xưởng đúc chip lớn thứ 3 thế giới về doanh thu, xếp sau 2 đại gia khác là TSMC và Samsung.
PV