Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, năm 2023 với đầy biến động và khó khăn sắp bước qua với những thách thức nhiều hơn so với dự báo, đã có những tác động đến thị trường lao động.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện tốt các giải pháp phục hồi thị trường lao động, giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh cho lao động bị buộc thôi việc, giãn việc, giảm giờ làm ở các doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ đã phát triển mạnh lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, cùng với ngành Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên khoảng 68%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị chỉ còn 2,76%, đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục xem xét các chỉ số này, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả tốt hơn.
Và, thực hiện tốt định hướng đào tạo trình độ, ngoại ngữ cho lực lượng lao động đáp ứng thị trường lao động quốc tế. Đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, làm việc trong môi trường công nghiệp, tiếp cận công nghệ tiên tiến, để khi họ trở lại thị trường đó chính là động lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi của thị trường lao động trong nước.
Theo Phó Thủ tướng, thực tế thị trường lao động vẫn còn mất cân đối cung – cầu. “Nhiều tập đoàn đến Việt Nam đầu tư, muốn tuyển dụng lực lượng lao động trình độ phổ thông, có tính chất gia công thì có nhưng cần lực lượng lao động để đáp ứng công nghệ cao còn rất thiếu”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu thực tế.
Trong đó, cầu lao động còn rất yếu, cung lao động cũng chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng. Và để cung và cầu lao động hợp lý, trước hết cần có sự chuyển đổi kinh tế chứ không chỉ riêng ngành lao động.
“Chuyển đổi cầu thì sẽ có cung, nhưng cung và cầu bao giờ cũng có sự lệch pha, vì thế khi đất nước chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, Bộ cần tham mưu đi trước một bước để chuẩn bị nguồn nhân lực là hết sức quan trọng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trong khi đó, việc tham gia các công ước quốc tế, Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng đang đặt ra rất nhiều vấn đề. Đơn cử như khu vực FDI, có rất nhiều chính sách tạo ra sức ép, đó là làm sao vừa thu hút FDI nhưng cần tạo ra công ăn việc làm chất lượng, có công nghệ cao, dần dần làm chủ các chuỗi giá trị sản phẩm, từ thiết kế cho đến nghiên cứu, sản xuất, tức là có sự chuyển giao.
“Hiện ở khu vực này vẫn chủ yếu tập trung lực lượng lao động mang tính chất chưa có chất lượng cao, đây là vấn đề chúng ta cần xem lại. Cùng với cuộc cách mạng 4.0, chúng ta cần tận dụng tốt hơn để làm tốt công tác quản lý lao động hiện vẫn còn những bất cập”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Từ thực tế đó, ông cho rằng cần có những đánh giá kỹ lưỡng tác động của cuộc cách mạng này, đặc biệt là chuyển đổi số, cuộc cách mạng liên quan đến chuyển đổi năng lượng, tự động hóa, bởi chắc chắn sẽ có những tác động đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam – nơi có lực lượng lao động nông thôn còn chiếm đến 80%, là trở ngại trong quá trình chuyển đổi.
“Tôi cho rằng chúng ta phải coi đây là thách thức lớn và biến nó thành cơ hội. Hài hòa trong thu hút đầu tư và xác định lộ trình để có thể kịp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2024 được dự báo là năm tiếp tục còn khó khăn đối với toàn cầu. Đặc biệt, với Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phải thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Trong bối cảnh đó, cần xác định rõ thách thức, tạo ra được cơ hội.
Kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành xu thế của thời đại, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhưng cũng có những rào cản kỹ thuật.
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài chính là động lực đột phá của chúng ta. Để rút ngắn khoảng cách, bắt kịp cùng và vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu, theo Phó Thủ tướng nếu nắm được xu thế này, triển khai lãnh đạo, chỉ đạo để biến nó thành cơ hội thì Việt Nam có thể là nước đi sau nhưng “đi cùng và vươn lên”.
Điều này sẽ đặt ra trọng trách rất lớn đối với ngành Lao động và khối ngành xã hội khác như giáo dục, văn hóa, khoa học – công nghệ, thông tin và truyền thông cũng như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
“Ngành Lao động cần đứng ra làm nhạc trưởng, nhưng để thực hiện được các mục tiêu này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt cần phân định rõ nhiệm vụ để thực hiện”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần chú trọng dự báo sát nhu cầu nhân lực với thị trường lao động, đặc biệt đồng tình với việc thành lập một sàn việc làm thống nhất trên cả nước. Điều này sẽ phục vụ việc theo dõi, đánh giá sát, nắm được cung, đảm bảo cầu lao động. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế liên thông giữa các bậc học, trình độ đào tạo.
Phó Thủ tướng thừa nhận, vấn đề này hiện vẫn còn vướng ở luật, song tới đây khi sửa luật, đề nghị hai Bộ phối hợp, cần ban hành cơ chế để xây dựng các chuẩn đào tạo, bằng cấp… để đảm bảo sự liên thông.
Nhấn mạnh nhân lực là vấn đề hết sức quan trọng, Phó Thủ tướng cho rằng, cần đào tạo bài bản, chính quy, xem lại các cơ chế huy động xã hội hóa, nhưng Nhà nước vẫn cần đóng vai trò chủ đạo. “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì thế tôi đề nghị ngành Lao động, Giáo dục đóng vai trò chính”. Phó Thủ tướng lưu ý.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ sẽ tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh con người, an sinh và an dân.
Cùng với đó, phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành linh hoạt, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế, kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.
Ngành cũng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiện đại hóa cơ sở vật chất và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo.
"Ngành cũng sẽ tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, trong đó chú trọng đào tạo lao động trong những lĩnh vực mới, như chíp bán dẫn, tín chỉ carbon, năng lượng tái tạo…", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lo ngại đến số lao động có việc làm trong khu vực phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao (65%), đây là thách thức rất lớn trong quá trình chuyển đổi nguồn nhân lực. Đáng chú ý đó là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn ở mức cao.
H.Dương (t/h)