Minh họa, Ảnh: Đức Thụy
Minh họa (Ảnh: Đức Thụy)

Theo đó, mục tiêu chung của việc thực hiện Kế hoạch nhằm phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong tỉnh với thị trường lao động ngoài tỉnh, trong khu vực và trên thế giới.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là phấn đấu đến năm 2025:

Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 61%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 20%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động;

Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 1%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 16,83%.

Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 3,95% lực lượng lao động trong độ tuổi; 9,85% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.

Kế hoạch đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, như:

Đầu tư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; chủ động, linh hoạt, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển thị trường lao động để giữ vững ổn định kinh tế và trật tự an toàn xã hội;

Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động (tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững...); tập trung thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, nhất là là doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI;

Phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động, công tác dự báo cung - cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là người đứng đầu một số sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan về vai trò, tầm quan trọng phát triển thị trường lao động; chủ động có giải pháp hiệu quả để đảm bảo và phát triển thị trường lao động bền vững...

Để đạt được kết quả của kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch phải bám sát nội dung Nghị quyết số 06/NQ-CP và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Quá trình triển khai thực hiện, phải có sự phân công nhiệm vụ cụ thể và tăng cường sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các sở, ngành, đơn vị và chính quyền các cấp, trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP trên địa bàn tỉnh.

Thuận Yến - Thùy Linh