Tràn lan thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đặc biệt là nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền vẫn diễn ra phức tạp.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc (Ảnh: internet)
Nhiều cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như: sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe (sản phẩm giảm cân, sinh lý nam, ăn ngon, ngủ ngon...); quảng cáo quá mức, quảng cáo mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, sử dụng hình, uy tín cơ sở y tế, nhân viên y tế...
Bên cạnh đó, tình trạng quảng cáo trên các trang mạng xã hội như: Youtube, facebook, zalo,... trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Một số cơ quan phát hành quảng cáo thực hiện chưa đúng quy định về quảng cáo dẫn đến tình trạng đăng tải một số nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký hoặc đăng tải những nội dung quảng cáo chưa được thẩm định của cơ quan y tế.
Mặt khác, tình trạng sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả mạo xuất xứ vẫn còn tiếp diễn. Cụ thể, việc sản xuất, kinh doanh hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…, kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại dán mác xuất xứ các nước như Mỹ, Canada, New Zealand…
Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 27 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra xe ô tô BKS 29C-65293 vận chuyển hàng hóa tại ga Giáp Bát đã phát hiện 2.660kg phụ gia và 60 thùng hàng hóa các loại do nước ngoài sản xuất, trong đó có 5.590 viên An Cung Ngưu hoàng hoàn Kwangdong và 31.990 viên Ngưu Hoàng Thanh Tâm hoàn nhãn hiệu Tongren, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến TPCN
Nhằm hạn chế đến mức tối đa hiện tượng TPCN núp bóng y học cổ truyền để tiêu thụ, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa mới đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng về tình trạng mạo danh các lương y, nhà thuốc gia truyền để bán TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Bộ Y tế thẩm định.
Bên cạnh công tác tăng cường kiểm tra, xử lý, Bộ Y Tế công khai các thông tin liên quan đến đình chỉ, thu hồi thuốc, mỹ phẩm nhập khẩu, sản xuất trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường, công văn thu hồi số công bố sản phẩm mỹ phẩm, thu hồi thuốc, mỹ phẩm nhập khẩu, sản xuất trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường, công văn thu hồi số công bố sản phẩm mỹ phẩm được cập nhật liên tục trên Website của Cục Quản lý Dược, Tạp chí Dược.
Ngoài ra, đối với vi phạm về quảng cáo, trường hợp doanh nghiệp không thừa nhận các quảng cáo đó là do doanh nghiệp đăng thì Bộ Y tế đăng thông tin trên trang website của Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) để thông báo đến người tiêu dùng biết tránh mua sản phẩm đó trên các trang website đã nêu.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...
Hà Trần