Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo mở chiến dịch đặc biệt ở Ukraine với mục tiêu "phi quân sự hóa" Ukraine. Giao tranh đã kéo dài trong suốt 21 ngày qua đã gây ra những thiệt hại cho cả 2 nước từng thuộc Liên Xô cũ. Trong khi đó, các vòng đàm phán giữa Moscow và Kiev tới nay vẫn chưa đạt được bất cứ kết quả đáng kể nào.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), nhận định rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là "cộng hưởng" của các yếu tố trong nội tại Ukraine và cuộc cạnh tranh giữa 2 cường quốc Mỹ - Nga.
Ông Lê Văn Cương nhận định, Ukraine là một quốc gia có "thiên thời, địa lợi" với diện tích lớn thứ 2 châu Âu chỉ sau Nga, sở hữu đất đai màu mỡ ở miền Tây, khí hậu ôn hòa và nằm trên trục giao thương Đông - Tây.
Tuy nhiên, ông cho rằng, nội bộ Ukraine có sự chia rẽ sâu sắc trong quan điểm chính trị, với các tỉnh miền Đông và Đông Nam gần Nga hầu hết là người nói tiếng Nga và có quan điểm thân Nga. Trong khi đó, tại các tỉnh miền Tây, dân số là người Ukraine nói tiếng Ukraine, có tư tưởng thân phương Tây và muốn Ukraine hội nhập vào Liên minh châu Âu (EU) và gia nhập NATO. Tại các tỉnh miền Trung, phần lớn dân số theo hướng trung lập, nhưng cũng có xu hướng nghiêng về phương Tây nhiều hơn Nga.
Vì vậy, theo ông Lê Văn Cương, việc chính phủ Ukraine có thể cân bằng giữa Nga và phương Tây là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo sự ổn định cho đất nước.
Nguồn cơn căng thẳng
Là các quốc gia láng giềng, với những yếu tố tương đồng về lịch sử, văn hóa và các liên kết về kinh tế, nhưng Nga - Ukraine đã nảy sinh căng thẳng và leo thang tới tình trạng như hiện tại. Theo ông Lê Văn Cương, sự kiện có tính thay đổi bước ngoặt là vào cuối năm 2013, khi cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hoãn ký một thỏa thuận nhằm hợp tác kinh tế với EU để có thêm thời gian cho Ukraine chuẩn bị. Phe đối lập đã cáo buộc ông Yanukovych thân Nga, kéo theo một cuộc biểu tình quy mô lớn gia tăng áp lực lên ông.
Tới tháng 1/2014, phong trào biểu tình ở Ukraine leo thang thành bạo lực đẫm máu dẫn tới cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của ông Yanukovych. Sau sự kiện này, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea. Hai vùng Donetsk và Lugansk ở Đông Ukraine đã tuyên bố ly khai với Kiev, dẫn tới cuộc giao tranh làm hàng chục nghìn người thiệt mạng những năm qua.
Theo ông Lê Văn Cương, cũng sau năm 2014, chính phủ mới ở Ukraine có xu hướng bài Nga và xoay trục về phương Tây và đặt ra mục tiêu gia nhập EU và NATO. Đây được xem là yếu tố bất lợi cho Nga khi NATO đã 5 lần mở rộng về phía Đông sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, gây đe dọa nghiêm trọng tới không gian chiến lược và an ninh của Nga. Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng, việc kết nạp Ukraine vào NATO là "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua vì quan ngại tên lửa của liên minh sẽ được đưa tới cửa ngõ của Nga.
Tới năm 2021, căng thẳng Nga và Ukraine bước vào một giai đoạn mới. Thỏa thuận Minsk 2 ký ở Belarus vào năm 2015 không được thực hiện đầy đủ, khiến giao tranh liên tục kéo dài ở Đông Ukraine. Thêm vào đó, Nga cũng như NATO liên tục thực hiện các cuộc tập trận, điều động lực lượng ở các khu vực như Biển Đen, hay các khu vực gần Ukraine khiến căng thẳng ở khu vực leo thang từ suốt tháng 3 năm ngoái tới đầu năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Cương, có một sự kiện được cho đã khiến "giọt nước tràn ly" là việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 19/2 cảnh báo rằng, nước này có thể đảo ngược cam kết đã thực hiện trong gần 30 năm trong Bản ghi nhớ Budapest về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Theo chuyên gia Lê Văn Cương, Tổng thống Putin dường như coi đây là một động thái nguy hiểm. Quan điểm của Nga là chính quyền Ukraine hiện tại được Mỹ và NATO ủng hộ, thỏa thuận Minsk 2 - con đường duy nhất để xuống thang căng thẳng - chưa được thực hiện đầy đủ sau nhiều năm và giờ đây Ukraine lại cảnh báo có thể khôi phục việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Cương cho rằng, Nga dường như cảm thấy họ "đã hết cách" vì đang đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và buộc phải ra quyết định hành động vào ngày 24/2.
Kịch bản nào cho xung đột Nga - Ukraine?
Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga có những bước tiến nhanh và quyết liệt trong những ngày đầu, nhưng có dấu hiệu chậm lại trong những ngày sau đó.
Theo quan điểm của ông Lê Văn Cương, Nga dường như "có những yếu tố chưa thể lường hết được khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine".
Thứ nhất, quân đội Ukraine ở năm 2022 đã rất khác so với quân đội Ukraine ở năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập Crimea và có thể đã khiến Nga "bất ngờ".
"Sau sự kiện Crimea, quân đội Ukraine ngày nay đã được thay máu, phần lớn binh sĩ Ukraine hiện tại nhập ngũ sau năm 2014", ông Lê Văn Cương nhấn mạnh rằng, đội quân này hiện có tinh thần và động lực lớn hơn so với năm 2014 cũng như quan điểm chống Nga sau sự kiện bán đảo Crimea.
Thứ hai, quân đội Ukraine hiện đã được "trang bị vũ khí hiện đại của Mỹ và NATO, cũng như nhận được sự huấn luyện trong nhiều năm qua".
Thứ ba, Nga đã tuyên bố từ khi mở chiến dịch đặc biệt rằng họ sẽ chỉ nhằm vào mục tiêu quân sự của Ukraine mà không nhằm vào dân thường, cũng như không có ý định giành quyền kiểm soát lãnh thổ của Ukraine. Đây có thể là những yếu tố khiến đà tiến của Moscow bị chậm lại, theo chuyên gia Lê Văn Cương.
Tuy nhiên, ông dự đoán rằng, kịch bản Nga bị "sa lầy" ở Ukraine là khó có thể xảy ra và chiến sự có thể sẽ quyết liệt hơn trong những tuần.
"Nga sẽ tập trung hỏa lực, vũ khí chính xác tiếp tục nhằm vào các cơ sở quân sự của Ukraine như các cơ sở thông tin, trung tâm chỉ huy, cơ sở radar", ông Lê Văn Cương nhận định, đồng thời cho rằng, thời điểm Nga có thể phá hủy được 80% các cơ sở này thì họ sẽ giành được lợi thế lớn trên bàn đàm phán.
Ông Cương cho rằng, chiến sự có thể sẽ kết thúc khi chính quyền Ukraine chấp nhận việc trung lập hóa đất nước.
Trước đó, Tổng thống Putin đã nêu ra 3 điều kiện để kết thúc chiến dịch là: Phi quân sự hóa Ukraine; trung lập hóa Ukraine; Ukraine công nhận độc lập của 2 vùng ly khai ở miền Đông và việc Nga sáp nhập Crimea.
Ông Lê Văn Cương nhận định, trong 3 điều kiện trên, trung lập hóa Ukraine (bao gồm việc Kiev không gia nhập NATO) là điều Ukraine không thể thương lượng với Nga. Trong khi đó, 2 điều kiện còn lại là vẫn có thể được đưa ra bàn bạc.
Về quan hệ Nga - Mỹ, ông Cương cho rằng, quan hệ giữa hai cường quốc sẽ tiếp tục leo thang trong tương lai. Trong khi đó, kinh tế của Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ảnh hưởng của chiến sự, trong khi Nga cũng sẽ gặp khó khăn lớn về kinh tế do bị nhiều nước "cô lập" thông qua biện pháp trừng phạt. Ngoài ra, chiến dịch quân sự được cho sẽ "khoét sâu" hơn nữa căng thẳng giữa Nga và Ukraine trong tương lai.
Với thế giới, trong những ngày qua, nhiều nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì chiến sự Nga - Ukraine khi giá nhiên liệu tăng mạnh, một số mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu thô tăng giá dẫn tới lạm phát gia tăng, trong bối cảnh các nước đang chật vật hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Theo dantri.com.vn