Qua kết quả lấy ý kiến của nhân dân hai tỉnh, 97,9% cử tri tỉnh Quảng Bình đại diện hộ gia đình đồng ý với đề án sắp xếp và 98,76% cử tri tỉnh Quảng Trị đại diện hộ gia đình đồng ý với đề án.

Theo đánh giá, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị là hai địa phương mang dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dân tộc hiện đại - nơi tiếp giáp và từng là ranh giới chia cắt hai miền Nam - Bắc, biểu tượng của tinh thần thống nhất, khát vọng hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ.
Với vị trí chiến lược - tiếp giáp Lào, nằm trên trục Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị không chỉ có vai trò an ninh - quốc phòng trọng yếu, mà còn là trung tâm kết nối vùng Bắc Trung Bộ với quốc tế, là đầu mối giao thương và phát triển liên vùng, liên quốc gia.
Tại Kỳ họp, 100% đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình có mặt đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc chủ trương sắp xếp tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Sau sáp nhập 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị lấy tên là Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị có diện tích hơn 12.699km², quy mô dân số 1.845.335 người. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Quảng Trị sau sắp xếp đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.
HĐND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị hoàn thiện hồ sơ, đề án và các tài liệu khác có liên quan gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu nhấn mạnh, kỳ họp thứ 21 với những quyết sách mang tính lịch sử, mở ra cơ hội và không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh sau sắp xếp.
Kết quả lấy ý kiến của cử tri toàn tỉnh và kỳ họp HĐND tỉnh hôm nay thể hiện sự đồng tình, kỳ vọng, nhất trí cao của cử tri và đại biểu HĐND các cấp đối với chủ trương này. Nhân dân tin tưởng, sau hợp nhất, tỉnh sẽ phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn về mọi mặt.
Khánh An