Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: MV)

Tại hội nghị, ông Trần Vũ Khiêm, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình đã trình bày tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh. Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã theo nguyên tắc, như sau:

Không thực hiện sắp xếp đối với ĐVHC có vị trí biệt lập hoặc có vị trí quan trọng liên quan đến quốc phòng-an ninh (QP-AN), bảo vệ chủ quyền quốc gia; trường hợp sắp xếp phường với ĐVHC xã thì ĐVHC sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp các xã, thị trấn thì ĐVHC sau sắp xếp là xã.

Khi sắp xếp ĐVHC cấp xã cần chú trọng các yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên kết tiểu vùng; quy mô, trình độ phát triển kinh tế; QP-AN, chính trị, trật tự xã hội; hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin…

Các đại biểu tham gia hội nghị.
Các đại biểu tham gia hội nghị. (Ảnh: MV)

Bảo đảm tương quan hợp lý, tránh tạo sự giãn cách lớn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số giữa các xã, phường mới sau sắp xếp; bảo đảm chính quyền địa phương cấp cơ sở thực sự gần dân, sát dân; thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã không giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của cấp huyện, cấp xã hiện nay.

Việc đặt tên của ĐVHC cấp cơ sở sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học; khuyến khích đặt tên theo số thứ tự hoặc theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin, đặt tên ĐVHC có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Việc đặt trụ sở của ĐVHC cấp cơ sở sau sắp xếp cần lựa chọn trụ sở của 1 trong số các ĐVHC hiện nay để đặt trụ sở của ĐVHC mới nhằm bảo đảm chính quyền cấp cơ sở nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định; trụ sở của ĐVHC mới có vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông phát triển, hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; có không gian phát triển trong tương lai, bảo đảm QP-AN…

Theo đó, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của Quảng Bình sau sáp nhập, hợp nhất dự kiến là 41 xã, phường, trong đó có 36 xã, 5 phường.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: MV)

Ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trì hội nghị nhấn mạnh, vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính là một chủ trương lớn, vô cùng cấp thiết mà Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, với tinh thần khẩn trương “vừa chạy, vừa xếp hàng".

Đề nghị các địa phương sớm tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh. Khẩn trương xây dựng phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức; phương án bố trí trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị, tài sản… để bộ máy hành chính mới đi vào hoạt động ngay khi nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, không để gián đoạn, bỏ trống nhiệm vụ, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bí thứ Tỉnh ủy Quảng Bình cũng yếu cầu, ngay sau hội nghị, các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh Quảng Trị, tham mưu lãnh đạo 2 tỉnh để thống nhất hoàn thiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh.

Khánh An