Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với các kế hoạch, đề án, dự án về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS, toàn tỉnh đạt được những kết quả bước đầu.

Trong đó, tỉnh Quảng Bình đã kiện toàn BCĐ theo yêu cầu mới của Trung ương, thành lập tổ giúp việc, phân công lại nhiệm vụ các thành viên, điều chỉnh quy chế làm việc; đã triển khai Đề án CĐS trong các cơ quan Đảng; xây dựng các kế hoạch hành động, kế hoạch phong trào “Bình dân học vụ số” và tổ chức quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Các đại biểu dự phiên họp.
Các đại biểu dự phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến về dự thảo Kế hoạch hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia trên địa bàn tỉnh; dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” của BCĐ Trung ương về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và CĐS...

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức lễ phát động và tạo hiệu ứng lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số”. Phong trào “Bình dân học vụ số” phải được triển khai toàn diên, sâu rộng, phổ cập tri thức cơ bản về CĐS, kỹ năng số cho toàn dân, đến tận thôn bản, tổ dân phố, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số.

Quảng Bình tập trung tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống, giúp người dân kết nối, tương tác và phát triển kỹ năng số để sử dụng các nền tảng, dịch vụ số, hình thành thói quen và văn hóa trong môi trường số. Xây dựng văn bản cụ thể hóa chương trình phổ cập kỹ năng số phù hợp với khung kỹ năng số của từng nhóm đối tượng phổ cập.

Bên cạnh đó, tỉnh huy động những người có ảnh hưởng trong cộng đồng tham gia truyền thông, lan tỏa phong trào; Xây dựng và duy trì, vận hành Cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin về phong trào “Bình dân học vụ số” tới đông đảo nhân dân với nhiều phương thức khác nhau.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát biểu kết luận tại phiên họp.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát biểu kết luận tại phiên họp.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ Lê Ngọc Quang chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục, như: Tiến độ ban hành một số văn bản chuyên đề còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, mốc thời gian theo chỉ đạo của Trung ương; sự phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị còn thiếu tính đồng bộ, nhịp nhàng; nhân lực hỗ trợ cho CĐS còn mỏng; trong đó, chưa hoàn thành việc nâng cấp Phòng CĐS-Cơ yếu của Văn phòng Tỉnh ủy theo hướng dẫn của Trung ương, ảnh hưởng đến năng lực điều phối, tham mưu.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình giao nhiệm vụ cụ thể các đơn vị chuyên môn nhằm triển khai đồng bộ các định hướng, khẩn trương tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời yêu cầu, thời gian tới, các cơ quan tham mưu cần tiếp tục chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số.

Nghiên cứu bố trí nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng phục vụ CĐS, đặc biệt là hạ tầng viễn thông, dữ liệu, nền tảng số gắn với các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; xây dựng các chương trình mang tính đột phá, tạo nền tảng cho giai đoạn 2026-2030. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thu công nghệ mới, tự chủ về công nghệ, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh hiện đại, thông minh.

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và nền tảng phần mềm chuyên ngành; kết nối liên thông kho dữ liệu dùng chung, góp phần nâng cao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công, thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số toàn diện.

Khánh An