Thời hạn 'trăng mật' sắp qua

Nếu không có gì thay đổi, chỉ vài tháng nữa, bắt đầu từ đầu năm 2019, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau (DCM) - một trong 4 ông lớn phân đạm Việt Nam sẽ chịu một đòn giáng chí tử, khiến doanh nghiệp sẽ từ lãi chuyển sang lỗ nặng.

Theo đó, bắt đầu từ 2019, Đạm Cà Mau sẽ phải mua khí ở một mức giá cao hơn rất nhiều so với hiện tại sau khi hưởng mức giá ưu đãi mà PetroVietnam (PVN) áp dụng cho doanh nghiệp này kể từ sau khi cổ phần hóa cuối 2014 cho tới hết năm 2018.Thời kỳ “trăng mật” sắp hết, đại gia phân đạm số 1 Việt Nam có thể phải chịu cú đòn khó đỡ - Hình 1

Theo cam kết trước đó, PetroVietnam áp giá khí cho DCM đảm bảo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 12%, tương đương với giá khí bán cho doanh nghiệp này khoảng 3 USD/triệu BTU. Đây là một mức giá ngang ngửa với giá khí trung bình áp dụng với các doanh nghiệp ngành phân bón trên thế giới, khi dầu thô WTI dao động trong khoảng 55-60 USD/thùng.

Với mức giá khí như hiện tại, Đạm Cà Mau có lợi nhuận và có thể trả lãi cho các khoản vay nước ngoài. Cổ đông cũng có cổ tức khoảng 8-9%/năm, một mức chấp nhận được trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Mức giá khí này cũng tương đương với giá mà DCM tính toán trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án (FS), áp dụng cho cả vòng đời dự án, bao gồm cả thuế VAT, chi phí vận chuyển và phân phối.

 Đến nay, thời hạn ưu đãi sắp kết thúc nhưng giá khí với DCM hiện vẫn chưa được đảm bảo. Và theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, giá khí đang được Chính phủ xem xét lại cao hơn so với khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và cao hơn so với giá thị trường cũng như giá khí cho các nhà máy sản xuất phân đạm trên thế giới. Bên cạnh đó, việc phát triển dự án khí Lô B chậm hơn so với kế hoạch dẫn đến nguồn cung suy giảm nhanh so với tính toán ban đầu khiến DCM có thể còn đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu nguồn khí không đủ cho 100% công suất thiết kế.

Các rủi ro trên càng gia tăng hơn với số nợ nước ngoài khi xây dựng dự án mà DCM còn phải trả gần 200 triệu USD; nhà máy vẫn chưa hết khấu hao; áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ, bởi nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón ở các nước trên thế giới và khu vực khá rẻ. Nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Pakistan, Indonesia đều có chính sách ưu đãi thuế, giá khí để đảm bảo duy trì ổn định giá phân bón, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp.

Nếu giá khí áp dụng cho DCM sau năm 2018 cao hơn so với khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, có nguy cơ khiến DCM có thể là dự án tiếp theo của ngành phân bón thua lỗ. Điều mà cổ đông mong muốn và chờ đợi ở thời điểm này, một sự cam kết và đảm bảo của Chính phủ, của Bộ ngành, của PVN là nguồn khí và giá khí hợp lý nhất áp dụng với DCM, đảm bảo cho DCM tiếp tục hoạt động hiệu quả như thời gian vừa qua, tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho Nhà nước. Cú sốc đang đến gần của Đạm Cà Mau có thể sẽ giống và thậm chí còn nặng nề hơn so với Đạm Phú Mỹ (DPM).

Trong nhiều năm qua, ông lớn Đạm Phú Mỹ chứng kiến lợi nhuận liên tục đi xuống do giá khí nguyên liệu (chiếm gần 75% nguyên liệu đầu vào) ở mức cao. Giá khi trung bình của DPM là 4-6 USD/triệu BTU. Với giá dầu thế giới tăng, dự kiến Đạm Cà Mau có thể sẽ phải mua khí ở mức giá cao hơn 2 - 3 USD/triệu BTU so với mức giá khí áp dụng với Đạm Phú Mỹ. Đây thực sự là một cú sốc đối với một doanh nghiệp vốn đang vay nợ rất nhiều.

Đạm Cà Mau còn chịu ảnh hưởng từ nguồn cung cấp khí không ổn định do Dự án khí Lô B chậm hơn so với kế hoạch. Bên cạnh đó, giá phân nhập khẩu rẻ do doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới mua được giá khí rẻ hơn rất nhiều so với giá khí trong nước. Giá khí cao và không đủ nguồn cung cho sản xuất khiến Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ trồi sụt bấp bênh và do vậy quá trình thoái vốn của PetroVietnam tại 2 doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn.

Theo kế hoạch, PVN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại Đạm Cà Mau (hiện là hơn 75,5%) và Đạm Phú Mỹ (hiện hơn 61%) xuống 51% trong 2017-2018 và xuống 36% vốn điều lệ trong giai đoạn 2018-2020. Với giá khí tăng, Đạm Cà Mau nắm chắc lỗ lớn, giống như 2 nhà máy Đạm Hà Bắc và Ninh Bình. Hiện mỗi năm chi phí khấu hao và trả nợ của DCM khoảng 1,6 ngàn tỷ đồng, trong đó có khoản nợ nước ngoài khi xây dựng dự án hiện còn gần 200 triệu USD.

Hiện tại, cổ phiếu DCM đang giao dịch quanh vùng giá 10.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường 5,5 ngàn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 400 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Cổ phiếu DPM dao động quanh ngưỡng 17.500 đồng/cp, tương đương vốn hóa thị trường 6,9 ngàn tỷ đồng. Ngày 11/12/2017, Đạm Cà Mau bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Nhà nước bán thành công gần 129 triệu cổ phiếu DCM với giá trúng bình quân là 12.251 đồng/cp, thu về 1,58 ngàn tỷ đồng.

Đóng góp quan trọng cho phát triển nông nghiệp

Việc giá khí đầu vào cho sản xuất tăng cao không chỉ DCM gặp khó mà đông đảo bà con nông dân đang sử dụng phân bón DCM cũng vô cùng lo lắng bởi phân bón như là một phần của quá trình sản xuất nông nghiệp.

Từ khi gia nhâp trường vào cuối năm 2011, DCM với sản phẩm chính là Urea hạt đục có ưu điểm vượt trội so với các loại phân đạm khác ở khả năng chậm phân giải, giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng hiệu quả, cỡ hạt đồng đều, không mạt nên dễ rải, dễ phối trộn. Nhờ đó DCM nhanh chóng chiếm lĩnh phần lớn thị phần trong nước và là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ngành phân bón trong những năm gần đây.

Có thể thấy rõ, từ khi có DCM, thị trường phân bón ổn định hơn, mỗi khi vụ mùa đến, nông dân không còn nỗi lo sốt phân sốt giá, giảm đáng kể việc nông dân sử dụng phân bón giả, kém chất lượng. Sau 6 năm đi vào sản xuất, DCM đã cung cấp ra thị trường trên 5 triệu tấn phân Urea và hàng trăm tấn phân bón chuyên dụng khác giúp tiết kiệm gần 1,5 tỷ USD nếu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Cùng với những khó khăn của ngành phân bón do giá cả biến động mạnh, tình hình thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước trầm trọng... Tuy nhiên, DCM vẫn vững bước phát triển duy trì ổn định thị phần tại các thị trường mục tiêu, đồng thời tiếp tục mở rộng, phát triển mạng lưới phân phối ở các địa bàn trọng điểm trong nước và Campuchia. Trong khi tình trạng của các doanh nghiệp cùng ngành đang có chiều hướng đi xuống, DCM vẫn tăng trưởng doanh thu, tiếp tục giữ vững vị thế là một doanh nghiệp mạnh trong ngành, có sức cạnh tranh với các tập đoàn nông nghiệp nước ngoài.

Từ đó có thể thấy, DCM với nhiều nỗ lực trong hoạt động SXKD đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà, trở thành sản phẩm tin dùng của đông đảo bà con nông dân, đặc biệt là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm – ĐBSCL. Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực đó, do đặc thù sản xuất, hiệu quả DCM vẫn phụ thuộc vào nguồn khí và giá khí.

Theo định hướng của Chính phủ trong thời gian tới, nông nghiệp vẫn là ngành được chú trọng trọng tâm do Việt Nam có nhiều lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Hơn bao giờ hết, vai trò đồng hành với nông dân của doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải thể hiện trong các quyết sách đúng đắn về nguồn khí và giá khí đầu vào cho DCM, hỗ trợ người dân được tiếp cận với việc sử dụng sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng để đảm bảo canh tác có lãi và góp phần ổn định thị trường phân bón, giảm nhập khẩu. Bởi khi giá khí - nguyên liệu chính sản xuất phân bón tăng sẽ đẩy chi phí sản xuất của DCM tăng thêm, người nông dân sẽ là người cuối cùng chịu thiệt thòi nhất.

Hải Đăng